Chiêu của “cò”
Trong vai người mua đất quanh khu vực sân bay lưỡng dụng, chúng tôi chạy dọc theo con đường đất đỏ giữa những vườn cao su xanh tốt của huyện Hớn Quản để tìm đến khu vực vòng xoay Thác số 4 (xã Tân Lợi). Dừng xe một lát, chúng tôi gặp hai người đàn ông chừng hơn 40 tuổi, một người tự xưng là “cò đất”, tên H., một người nhận là chủ đất. Hai người này dẫn chúng tôi đến ấp 5, xã An Khương (huyện Hớn Quản). Chạy lòng vòng qua nhiều khúc cua, dừng lại trước một khu đất trồng vú sữa, người tên L. giới thiệu đây là đất của gia đình có diện tích 6,5 sào (1.000m2/sào), tuần trước rao bán 10 tỷ đồng, có người trả gần 7 tỷ đồng nhưng không bán.
Vài ngày gần đây, cơn sốt đất đã “hạ nhiệt” nên chỉ rao bán với giá 3 tỷ đồng, nếu đồng ý thì đặt cọc trước và khi trả đủ tiền sẽ giao giấy tờ đất. Đứng cạnh bên, “cò” H. nói thêm: “Mua đất ở đây chỉ có lời chứ không lỗ và nếu ra ngoài mặt đường giá đất cao ngất ngưởng, khó đủ tiền để mua. Khu vực này đã làm đường bê tông nên lên thổ cư dễ như trở bàn tay”. Thấy chúng tôi băn khoăn về giấy tờ, hai người tiếp tục dẫn về nhà của L., rồi đem sổ đất ra chứng minh và khi nghe chúng tôi trả giá 2,7 tỷ đồng, L. cho rằng thấp quá và nói chỉ bớt 50 triệu đồng.
Rời nhà L., chúng tôi gặp chị T. (xã Tân Lợi) cách vòng xoay Thác số 4 chừng 300m, vài ngày trước chị đã bán cả nhà đất diện tích 1,6ha (trong đó 800m2 đất thổ cư) với giá 9,2 tỷ đồng cho một người ở thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước). Chị T. nói: “Nghe tin sân bay xây dựng nên họ vào mua, đặt cọc 1,5 tỷ đồng và trong vòng 30 ngày sẽ công chứng sang tên. Cũng may, bán được lúc đất đang lên cơn sốt để có tiền mua nhà đất nơi khác”.
Tiếp tục dạo quanh một số vị trí được coi là đắc địa tại xã Tân Lợi, An Khương, chúng tôi được “cò đất” giới thiệu: Giá đất mặt tiền tại vòng xoay Thác số 4 là 200 triệu đồng/1m ngang, sâu 70-80m; cách Thác số 4 chừng 1km có giá 160 triệu đồng/1m ngang (đường nhựa); đất vườn rẫy tại khu vực cũng có giá trung bình 400 triệu đồng/sào, còn vào sâu chừng 1km so với đường nhựa cũng có giá 100 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, “cò đất” trong vùng khẳng định, giá đất đã sụt giảm còn một nửa so với tuần trước và khẳng định sẽ có cơn sốt đất lần 2 sau một thời gian tạm lắng.
Mới chỉ là đề xuất
Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, tỉnh Bình Phước vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT thống nhất giao cho tỉnh Bình Phước quản lý sân bay hiện hữu rộng hơn 100ha và sẽ lập dự án mở rộng sân bay lên quy mô 400 - 500ha theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, sân bay chưa có trong quy hoạch và Bộ GTVT chưa nhận được văn bản kiến nghị của tỉnh Bình Phước.
Sau khi đoàn công tác của Tỉnh ủy Bình Phước đi khảo sát khu vực sân bay Téc-ních thì nhiều đối tượng đầu cơ, môi giới đất đai lợi dụng thông tin về việc khảo sát sân bay Téc-ních để đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thực tế. Tuy nhiên đến nay, tại vòng xoay Thác số 4, nơi diễn ra việc mua bán đất rầm rộ nhất, các “cò đất” đã tản ra, không khí khá vắng lặng, họ ngồi trong quán nước chờ người đến giao dịch.
Bà D., người bán hàng quán ngay vòng xoay Thác số 4 đã 20 năm nay, cho biết: “Mấy hôm trước, mỗi ngày hàng chục đoàn người từ Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM, Bình Dương vào đây hỏi mua đất nền, đất rẫy. Vài ngày trở lại đây, lực lượng công an vào cuộc, không ai dám tụ tập nhưng hoạt động mua bán đất vẫn âm ỉ vì lợi nhuận quá cao. Chưa bao giờ thấy cảnh người ta chen chúc mua đất, ầm ĩ cả vùng quê như thế”. Trước tình trạng này, lãnh đạo 2 xã An Khương và Tân Lợi đang chỉ đạo lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất khu vực sân bay Téc-ních để kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các trường hợp xây dựng trái quy định, sử dụng đất sai mục đích, các hành vi vi phạm pháp luật về đất.
Bà Phan Thị Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản, cho biết, việc tụ tập đông người tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, lây nhiễm dịch Covid-19. Giá đất được đẩy lên cao sẽ làm cho người nông dân tự do bán đất sản xuất, gây khó khăn trong việc sử dụng đất của huyện. Do đó, UBND huyện Hớn Quản chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường quản lý đất đai, không để người dân lấn chiếm, mua bán trái phép và điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có những hành vi đưa thông tin sai sự thật về quy hoạch sân bay Téc-ních.
Ngày 4-3, thông tin từ Bộ GTVT cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch, bộ đang tổ chức lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030, Việt Nam có tổng cộng 28 cảng hàng không, trong đó, có 15 cảng hàng không quốc nội và 13 cảng hàng không quốc tế. Trước đó, có nhiều địa phương bất ngờ đề xuất xin Bộ GTVT và Chính phủ cho mở sân bay. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Bình Phước cũng đã tiến hành khảo sát vị trí để lấy ý kiến xin Thủ tướng cho xây sân bay lưỡng dụng tại huyện Hớn Quản để xây dựng sân bay Téc-ních trở thành sân bay phục vụ cả dân sự. Về đề xuất xây dựng các sân bay mới, Bộ GTVT cho biết, bộ đang lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan về quy hoạch sân bay. |