Theo phong tục của người dân Thái Lan, tạt nước vào nhau tượng trưng cho việc rửa trôi những bất hạnh từ năm trước để đón năm mới với nhiều điều tốt lành.
Theo dự báo của Cơ quan khí tượng Thái Lan, mùa khô năm 2019 nghiêm trọng hơn bình thường do ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu El Nino. Đến nay, hơn một phần tư các hồ chứa nước lớn của Thái Lan đang ở mực nước thấp. Nhiệt độ ở một số khu vực đạt 42oC trong mùa khô này. Phó Tổng giám đốc Cơ quan khí tượng Thái Lan Thanasith Iamananchai đã cảnh báo về một đợt khô hạn kéo dài đến giữa tháng 5 và lượng mưa sẽ dưới mức trung bình trong 30 năm qua.
Nhưng hầu như người dân Bangkok ít quan tâm đến chuyện thiếu nước. Nơi đây, các cửa hàng vẫn bán ồ ạt những khẩu súng bắn nước cỡ lớn trong dịp Songkran. Lễ hội té nước hàng năm được gọi là “cuộc chiến dưới làn nước lớn nhất thế giới”, thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch, chủ yếu đến Bangkok và các thành phố khác. Du lịch chiếm khoảng 12% GDP của nền kinh tế Thái Lan, và Bangkok là thành phố thu hút du khách nhiều nhất năm 2018 với hơn 20 triệu người. Vì vậy, việc truyền tải thông điệp tiết kiệm nước đến các thành phố, đặc biệt là với những người dân và khách du lịch là điều khó khăn.
Ở vùng nông thôn, người dân bị thiệt hại nặng nề hơn do hạn hán. Theo ông Somboon Chungprampree, thư ký điều hành của Mạng lưới Phật tử Quốc tế ở Bangkok, tiết kiệm nước đang là đòi hỏi cấp bách vì chính những nông dân nghèo phải chịu gánh nặng nhất về hạn hán dẫn đến mùa màng thất bát. Đầu tháng này, các khách sạn ở miền Bắc Thái Lan đã hủy bỏ nhiều tour du lịch do điều kiện khô hạn gây cháy rừng và không khí độc hại ở 9 tỉnh. Lời kêu gọi tiết kiệm nước đã từng diễn ra, cấp bách hơn vào năm 2016, khi Thái Lan chịu hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Vào thời điểm đó, các nhà chức trách ở Bangkok đã cắt giảm số ngày lễ hội Songkran, áp dụng lệnh hạn chế sử dụng nước.
Năm nay, vẫn chưa có thông báo chính thức nhưng các lễ hội ở Bangkok sẽ có quy mô nhỏ hơn vì chuẩn bị cho lễ đăng quang của nhà Vua mới của Thái Lan. Tuy nhiên, hưởng ứng lời kêu gọi tiết kiệm nước, khu du lịch ba lô nổi tiếng trên đường Khaosan, nơi thường diễn ra hàng loạt “cuộc chiến dưới nước”, đã hủy bỏ nhiều lễ hội té nước.
Theo ông Thatarit Koontanakulvong, phó giáo sư kỹ thuật tài nguyên nước tại Đại học Bangkok Chulalongkorn, tiết kiệm nước ở Bangkok có thể không làm tăng thêm mức nước trong các hồ chứa hoặc giúp đỡ nông dân nhưng theo ông, người dân ở Bangkok sử dụng ít nước hơn là tốt và cần thiết, có giá trị hơn về mặt chia sẻ. Nhiều nhà khoa học còn khuyến cáo các nhà chức trách về việc tạo ra một chỉ số mã màu cho mực nước ở mỗi tỉnh của Thái Lan, tương tự như chỉ số chất lượng không khí nhằm cảnh báo người dân về tình hình khan hiếm nước. Điều đó có thể giúp nâng cao nhận thức về bảo tồn tài nguyên nước vốn rất ít khi được người dân quan tâm.