Khi thế giới học cách chung sống với Covid- 19, nhiều khách sạn ở Việt Nam đã cùng nhau tổng hợp nỗ lực của các khách sạn nhằm thúc đẩy tính bền vững của môi trường trong điều kiện bình thường mới.
Nỗ lực giảm thiểu tác động của đồ dùng bằng nhựa nhằm hướng tới một môi trường không rác thải nhựa tại các khách sạn thành viên, Meliá Hà Nội và Meliá Ba Vì Mountain Retreat là hai khách sạn đầu tiên tại Việt Nam triển khai chương trình tái chế rác thải nhựa PlasticShreds. Theo đó, chương trình tái chế rác thải nhựa này sẽ biến nhựa sử dụng một lần thành các vụn nhựa sau đó kết hợp với bitum (một hợp chất hữu cơ lỏng, màu đen, có độ nhớt cao) hoặc nhựa đường thành các hỗn hợp sử dụng trong xây dựng đường sá, làm phẳng các loại bề mặt từ đường đi cho đến các sân cầu lông.
Tái chế và tiến tới loại bỏ nhựa dùng một lần là xu hướng được nhiều khách sạn hướng tới Với trọng tâm cốt lõi là ưu tiên loại bỏ và thay thế nhựa, các khách sạn thành viên của Meliá cũng đã rất tích cực trong việc hạn chế đồ nhựa sử dụng một lần kể từ năm 2018 và loại bỏ hoàn toàn một số sản phẩm như ống hút nhựa và chuyển sang sử dụng các loại ống hút làm từ chất liệu hoàn toàn tự nhiên. Kể từ năm 2019, Meliá Ba Vì đã loại bỏ tất cả các đồ dùng bằng nhựa sử dụng một lần và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Vào cuối năm nay, khu nghỉ dưỡng dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn bao bì đóng gói và vận chuyển bằng nhựa sử dụng một lần và tiếp tục loại bỏ chai nhựa để thay thế bằng chai nước thủy tinh tái sử dụng.
Mặc dù vẫn chưa xác định đầu ra cho các sản phẩm từ chương trình tái chế PlasticShreds tại Meliá, nhưng những dự án sử dụng vụn nhựa để làm đường và vỉa hè ở Ấn Độ và Malaysia đã chứng minh sự thành công của chương trình. Meliá đã và đang hợp tác với Diveresy trong nhiều dự án bền vững, chẳng hạn như Soap for Hope (Xà phòng hy vọng) và Linens for Life (Vải cho cuộc sống). Cả hai sáng kiến đều có sứ mệnh biến những đồ dùng cũ hoặc không còn sử dụng như xà phòng thừa và vải cũ thành các bánh xà phòng tiệt trùng mới và những sản phẩm vải như túi đa năng, túi ngủ, đồ chơi trẻ em và đồng phục học sinh.
Lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời nhằm giảm lượng khí thải Co2 Cùng chung mục đích bảo vệ hành tinh xanh, Alma Camranh đang triển khai dự án điện mặt trời khách sạn tham vọng nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Bắt đầu từ năm nay, khu nghỉ dưỡng 580 phòng sẽ lắp đặt 5.634 tấm pin mặt trời với tổng diện tích 12.500 mét vuông trên mái của 196 gian hàng và hai tòa tháp hình chữ V. Hệ thống này dự kiến sẽ giúp khu nghỉ dưỡng tiết kiệm tới 391 tỷ đồng tiền điện và giảm lượng khí thải CO2 lên tới 72.670 tấn trong vòng 25 năm tới.
Fusion Resort Cam Ranh đã đạt được những bước tiến vượt bậc về mặt sinh thái trong quá trình xảy ra đại dịch. Khách sạn canh tác một trong những trang trại lớn nhất tại một khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam - với hơn 250 con vật, một vườn xoài, một vườn rau và thảo mộc rộng hơn 3.000 mét vuông sản xuất hơn 40 kg rau hữu cơ tươi hàng ngày. Vào năm 2020, khu nghỉ mát đã thành lập trường học Fusion Farm, nơi cung cấp các lớp học miễn phí hàng ngày cho khách và con của nhân viên. Các môn học bao gồm cách chăm sóc động vật và trồng rau. Tất cả chất thải thức ăn thô ướt của khu nghỉ mát được sử dụng để làm thức ăn cho động vật.
Khóa học chăm sóc và bảo vệ động vật được mở miễn phí dành cho du khách Thung lũng sức khỏe Alba của Fusion bao gồm RRR (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) ở mọi cấp độ. Tại trang trại hữu cơ tại chỗ, họ sử dụng chất thải thực phẩm để sản xuất phân trộn và làm thức ăn cho động vật. Các sản phẩm được trồng trong trang trại cung cấp cho các nhà hàng và căn tin của nhân viên hoặc cộng đồng địa phương với mức giá giảm.
Năm ngoái, đội Alba đã trồng 2.000 cây sau khi một cơn bão làm hư hại khu rừng xung quanh. Phần gỗ bị hư hại do cây đổ cũng được tái sử dụng để xây cầu trên khu nhà. Alba còn thực hiện các chương trình giáo dục với trẻ em địa phương về giá trị của canh tác hữu cơ, giảm thiểu nhựa và nhận thức về môi trường.
Nhiều hệ thống năng lượng mặt trời được xúc tiến lặp đặt tại các khu nghỉ dưỡng Nằm trên một cù lao tư nhân ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, chỉ có thể đến bằng thuyền, Azerai Cần Thơ từ lâu đã cam kết thúc đẩy tính bền vững. Khu nghỉ dưỡng - một phần trong danh mục đầu tư của Adrian Zecha, bao gồm Azerai La Residence, Huế và Vịnh Azerai Kê Gà - có nhà máy điện mặt trời tạo ra tới 2.500 Kwh điện, đáp ứng phần lớn nhu cầu điện năng tổng thể của khu nghỉ dưỡng. Azerai cũng đã giới thiệu xe đẩy chạy bằng năng lượng mặt trời, lắp đặt một nhà máy xử lý nước thải công nghệ cao, thân thiện với môi trường, loại bỏ việc sử dụng nhựa (nhựa sử dụng một lần và các loại khác) và hơn thế nữa. Nhân viên tại khu nghỉ mát thường xuyên tham gia các hoạt động làm sạch sông và họ cũng tham gia vào nỗ lực bảo tồn rừng ngập mặn của địa phương.
MAI AN