Sống xanh từ những việc nhỏ

Trên trang Facebook cá nhân, chị Hương Giang (huyện Nhà Bè, TPHCM) chia sẻ câu chuyện khá thú vị việc tự tay phân loại túi ni lông đã qua sử dụng rồi đem gửi tặng cho những người cần.

Thay đổi từ hành động nhỏ

“Tôi lựa các túi sạch, còn lành và chủ động phân loại to, vừa, nhỏ xong đem đi cho mấy cô bán rau, trái cây ở chợ. Phần còn lại, tôi tận dụng đựng rác ở nhà để khỏi phải mua bịch rác. Chỉ các loại túi rách, bẩn tôi mới bỏ. Mình cho túi cũng phải còn mới và sạch”, chị Giang kể.

Nhớ lại cảm giác mang túi ni lông đi cho, chị Giang thấy “hồi hộp lắm vì sợ người ta từ chối. Đâu phải ai cũng thích xài bịch ni lông cũ, nhiều khi khách không ưng”. Cuối cùng chị đã cho được một người bán rau và họ vui vẻ nhận lời. “Có thế thôi mà vui quá xá”, chị chia sẻ thêm.

Trong cuộc sống thường nhật hiện nay, việc kiểm soát sử dụng túi ni lông không hề dễ dàng, bởi sự tiện lợi nó mang lại. Chị Hương Giang chia sẻ, bản thân thường quán triệt tư tưởng đi chợ, siêu thị phải mang theo túi xách. Nếu lỡ quên, hàng hóa ít có thể cầm tay. Ấy vậy, số lượng túi ni lông trong nhà vẫn quá lớn, chủ yếu từ thói quen mua hàng online. “Mình còn vậy, những người thích sự tiện lợi thì số lượng túi ni lông tiêu thụ hàng năm có thể là rất khủng khiếp. Nghĩ đến đã hoảng rồi”, chị tâm sự.

Câu chuyện nhà dùng không hết mang đi cho túi ni lông đã qua sử dụng cũng đặt ra nhiều vấn đề, như chính chia sẻ của chị Hương Giang. Khi gom các bao tải dứa nhỏ từ những lần đặt online đến cho cửa hàng bán gạo, điều chị nhận về là thái độ không mấy hào hứng. Dù trước đó, chị đã hỏi ý kiến và cam kết các túi này hoàn toàn sạch sẽ, khô ráo để có thể tái sử dụng. Để hạn chế, sau này chị chủ động mang túi đến cửa hàng mua gạo, thay vì đặt và được giao tận nhà. Chị nói: “Biết là mất công hơn một chút, nhưng mình cũng bớt một chút rác đem về nhà”.

Thêm vòng đời cho đồ cũ

Tại phiên chợ “Lại đây bền vững” do Lại Đây Refill Station (trạm dừng chân của những người bạn quan tâm đến lối sống xanh, bền vững) tổ chức mới đây, đã có hơn 2.000 món đồ cũ tìm được chủ mới, hơn 500kg rác thải tái chế được thu gom, hơn 300 gia đình và bạn trẻ tiếp cận lối sống xanh. Rất nhiều người trẻ, các ông bố bà mẹ đưa con cái đến tham dự sự kiện và còn mang theo những túi đựng rác thải tái chế, quần áo cũ...

&6a.jpg
Phiên chợ “Lại đây bền vững” lan tỏa việc tái chế, sử dụng đồ cũ

Đến dự phiên chợ này, ban đầu vì tò mò nhưng khi dừng chân tại Shop50dong, anh Minh Khang (quận 12, TPHCM) lựa chọn được cho mình 2 chiếc áo thun. “Dù biết đồ đã qua sử dụng nhưng áo được giặt rất sạch, lại thơm như mới. Từ mẫu mã, kiểu dáng, cho đến chất liệu tôi đều rất ưng ý”, anh Khang chia sẻ.

Ý tưởng Shop50dong được chị Trần Thị Nga (quận Tân Phú, TPHCM) nghĩ ra từ 2 năm trước, khi đang phải chăm 3 đứa con nhỏ. Mục tiêu ban đầu là nhằm giúp đỡ các bà mẹ bỉm sữa ở nhà chăm con có việc để làm, vừa giải tỏa căng thẳng, vừa có thêm thu nhập. Hiện, nhóm Shop50dong đã có gần 26.000 thành viên, hơn 200 chi nhánh trên toàn quốc, ở hầu hết các tỉnh thành. Mô hình hoạt động của nhóm là cầu nối để nhận tất cả những đồ cũ không còn được các gia đình sử dụng, sau đó phân loại, bán, tặng hay làm từ thiện theo nhiều cách khác nhau.

Chỉ vào những món đồ được bày bán tại phiên chợ, chị giải thích: “Với những quần áo còn tốt, chúng tôi phân loại, giặt, tẩy, may lại phần bị rách nếu có và bán cho những ai cần trên Facebook hay các phiên chợ như thế này. Những quần áo không thể tái sử dụng, một phần chúng tôi gửi cho tổ chức Reshare, được đưa vào nhà máy để tái chế thành xi măng; một phần chúng tôi gửi cho công ty chuyên làm giẻ lau tại huyện Hóc Môn. Một trạm cứu hộ chó mèo tại Bình Tân cũng thường xuyên nhận đồ từ chúng tôi”.

Ngoài ra, quần áo cũ, vải thừa cũng được bán lại giá rẻ cho người tập may vá, hay sinh viên cần chất liệu cho các đồ án thực hành… “Chúng tôi tận dụng triệt để đồ mang về. Tôi vẫn hay nói, nhóm giống như chợ thập cẩm cái gì cũng bán được vì nhiều nhu cầu khác nhau”, chị Nga chia sẻ.

Khi đặt câu hỏi về phong trào sống xanh hiện nay, đặc biệt xu hướng sử dụng các đồ tái chế, chị Nga cho biết, đó là điều bản thân mình trăn trở nhiều nhất. Chị cho biết, trong gia đình có một cháu hơn 10 tuổi cũng được hướng đến lối sống xanh, sử dụng đồ cũ nhưng bé hoàn toàn không thích.

“Tôi nghĩ mọi việc phải cần có thời gian, mình làm gương trước để các con dần dần học theo, đó mới là cách làm bền vững. Sử dụng quyền làm cha mẹ ép buộc sẽ không thể tạo cho các con thói quen sống lành mạnh lâu dài”, chị nêu quan điểm.

Tin cùng chuyên mục