“Ăn” cả núi rừng
Sản phẩm từ các trang trại, nhà vườn ở Lâm Đồng, Đắk Lắk… được người tiêu dùng quan tâm. Nhờ sự giúp sức tích cực bởi hệ thống mạng internet, chỉ cần một cú nhấp chuột, dù ở xa hàng ngàn cây số, khách cũng có thể đặt hàng nhanh giao tận nhà. Do vậy, khách có muốn “ăn” hết đặc sản núi rừng cũng được đáp ứng dễ dàng.
Mới đây, tại Ngày hội Du lịch TPHCM lần thứ 16, khách tham quan khá ngạc nhiên với một số gian hàng đặc sản của doanh nghiệp trẻ từ các địa phương. Chẳng hạn, khu vực giới thiệu sản phẩm Tây Bắc với mật ong rừng, táo mèo Tú Lệ - Yên Bái, đào Mộc Châu - Sơn La… Điểm khác biệt của mật ong Tây Bắc chính là màu vàng tươi, được ong tích lũy từ hàng ngàn loại hoa khác nhau của núi rừng tạo mùi vị đặc trưng. Mật ong nơi đây có mùi thơm nhẹ, thanh so với mật ong của các vùng khác (Tây Nguyên - ong lấy từ hoa cà phê, hay ĐBSCL với mùi mật ong từ hoa tràm…). Hay như táo mèo Tú Lệ ngâm cùng rượu nếp để cho ra thành phẩm rượu táo mèo thơm ngọt cực kỳ hấp dẫn.
“Mình thường ăn chậm, nhai kỹ trước khi nuốt. Trong đó ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh các loại, thịt, trứng, sữa... được dùng thường xuyên với liều lượng phù hợp. Đi kèm là tăng cường vận động, thể dục thể thao. Mình thường chọn trái cây tươi, sạch ở các siêu thị uy tín để ép lấy nước uống, thỉnh thoảng cũng kết hợp một số loại với nhau để cho ra vị lạ. Bạn bè hay đùa rằng, mình có thể “ăn” cả núi rừng”, Dương Thanh Mai tâm sự.
Nhiều cơ hội phát triển
Chị Nguyễn Ngọc Hoàng Anh, sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành Hana Group và Tripee chia sẻ rằng, dòng sản phẩm xanh, sạch vì sức khỏe đang được người tiêu dùng cực kỳ quan tâm. Đối với doanh nghiệp, Hana Dalat với thông điệp “Dalat - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” gồm rau, hoa, trà, cà phê Arabica và du lịch canh nông... đang là điểm đến tham quan, trải nghiệm cho du khách đến từ TPHCM.
Ngoài việc cùng chung định hướng với thương hiệu Đà Lạt, Hana phân khúc sản phẩm và thị trường cho mình với dòng sản phẩm cao cấp từ nguyên vật liệu canh tác không hóa chất, theo hướng hữu cơ và đặc biệt là những sản phẩm từ rừng. Hana kể những câu chuyện thông qua sự khác biệt và đặc sắc của sản phẩm, cho người tiêu dùng dùng thử và trải nghiệm sự khác biệt. Từ đó, minh bạch quy trình canh tác, chế biến thông qua những tour du lịch trải nghiệm và học tập.
Anh Lê Quốc Phương (ngụ tại quận 1, TPHCM) cùng cộng sự cũng đang phát triển một dòng nước ép thử nghiệm, trước tiên là bán cho bạn bè, người thân uống để đúc kết kinh nghiệm, ghi nhận ý kiến khách hàng. Phương dự tính sẽ kêu gọi các bạn đồng nghiệp nghiên cứu chuyên sâu, cho ra quy trình đảm bảo tiêu chuẩn trong nước...
“Hiện tại, các loại nước ép trái cây an toàn do bên mình làm bán uống liền do không có chất bảo quản. Khách đặt tới đâu làm đến đó. Điều này khá cực, nếu khách đặt hàng số lượng lớn. Do vậy, dòng sản phẩm nước ép từ trái cây tươi các loại vẫn còn trong quá trình hoàn thiện, mất thêm khoảng 6 tháng đến 1 năm nữa”, Phương tâm sự.
Chuyên gia ẩm thực Trần Thị Hiền Minh nhiều lần chia sẻ với báo chí rằng, xu hướng sử dụng đồ ăn, thức uống hỗ trợ sức khỏe ngày càng được yêu chuộng. Do vậy, việc minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ, cách chế biến... chính là yếu tố đáng giá để kích thích xu hướng “sống xanh, ăn sạch” cả hiện tại lẫn tương lai.
Trước thực tế ngày càng có nhiều người vướng bệnh tật do chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không phù hợp, nhiều sản phẩm chế biến sẵn (nước uống thanh lọc cơ thể, bữa trưa tiện lợi...) được ra đời. Điểm chung đều là hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, do các chuyên gia ẩm thực, thương hiệu uy tín sản xuất...