Trước tình cảnh này, để “câu kéo” khán giả, các đơn vị sản xuất tìm đủ mọi cách, thậm chí tạo điều kiện để giám khảo - thí sinh ẩu đả, cãi vã ì xèo trên sóng truyền hình. “Rác” trên sóng truyền hình xuất hiện ngày càng nhiều cũng là vì thế.
“Game show chợ búa”
Trong nhiều chương trình truyền hình thực tế, game show được tổ chức từ đầu năm 2017 đến nay, The Face và Vietnam’s Next Top Model tạo được sự chú ý hơn cả. Tuy nhiên, những chương trình trên được sự chú ý không phải ở chuyên môn và chất lượng mà bởi những chiêu trò. Lần đầu tiên khán giả được chứng kiến những kiểu hành xử “chợ búa”. Mọi chuyện bắt đầu từ việc ban tổ chức chương trình năm nay chia các thí sinh thành hai đội là Team Sang và Team Ảo. Sự đổi mới và hấp dẫn là điều cần thiết nhưng mới mẻ và hấp dẫn đâu chưa thấy, chỉ thấy những kiểu hành xử vô văn hóa của các thí sinh ngày càng tăng khiến khán giả truyền hình ngán ngẩm. Chẳng hạn trong tập 4 vừa phát sóng, khán giả giật mình khi thấy các thí sinh tranh cãi, mắng chửi nhau. Đặc biệt hơn, những cảnh như ném đồ, xô đẩy và đỉnh điểm là thí sinh Kikki Lê tạt nước vào thí sinh Nguyễn Hợp khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, họ đang xem một chương trình truyền hình tìm kiếm người mẫu thời trang hay là một bộ phim truyền hình với nhiều tình tiết, kịch bản gay cấn để câu khách.
Không chỉ Vietnam’s Next Top Model chịu nhiều phê phán, chương trình The Face cũng nhận nhiều chỉ trích khi quá chú tâm vào những mâu thuẫn giữa các huấn luyện viên (HLV) Hoàng Thùy - Lan Khuê - Minh Tú, thay vì chú tâm vào chất lượng chuyên môn của các thử thách cũng như thí sinh. Như trong tập 3 của The Face, HLV Lan Khuê loại học trò của HLV Minh Tú. Tức giận trước quyết định này, Minh Tú đã dẫn theo học trò của mình, hùng hổ tới gây gổ. Những câu nói hằn học, mỉa mai như “Cứ chờ đã, bôi cái môi thâm đó rồi hãy nói chuyện với chị” được các HLV ném vào mặt nhau chan chát. Không chịu thua kém, không chỉ thí sinh mới có những màn hành xử kiểu lề đường xó chợ mà các giám khảo của Vietnam’s Next Top Model 2017 cũng liên tiếp có những màn đấu khẩu chợ búa chẳng thua gì, điển hình là những màn tranh cãi giữa hai giám khảo Nam Trung - Võ Hoàng Yến. Ngay trong tập đầu tiên lên sóng, Nam Trung thường xuyên dành những lời mỉa mai với Võ Hoàng Yến. Mỗi khi cựu người mẫu lên tiếng nhận xét về một thí sinh nào đó, chuyên gia trang điểm đều lên tiếng phản bác với một giọng điệu chua ngoa, hằn học. Đỉnh điểm, trong hậu trường một show chụp hình, Nam Trung lớn tiếng đuổi Võ Hoàng Yến ra ngoài. Thậm chí, khi thí sinh Cao Ngân quát thẳng vào mặt giám khảo Võ Hoàng Yến: “Chị im đi”, Nam Trung lại khuyến khích và cho rằng, đó là cách giúp thí sinh thể hiện cảm xúc bên trong của mình. Nhiều người chua chát cho rằng, với những gì đang diễn ra với The Face và Vietnam’s Next Top Model, nên gọi đó là “game show chợ búa” chứ đừng gọi là “game show truyền hình”.
Trách nhiệm VTV ở đâu?
Xem The Face và Vietnam’s Next Top Model, không ít người đặt câu hỏi “Nếu không có những màn cãi vã, hai chương trình này liệu có sức hút?”. Trên mạng xã hội, nhiều khán giả thú nhận, họ theo dõi chỉ vì sự “kịch tính” như trên mà thôi. Vô hình trung, những thử thách chuyên môn, thời trang bỗng trở thành thứ vô dụng. Người ta không khỏi đặt câu hỏi, vì sao một người chua ngoa, đanh đá đến mức thiếu văn hóa lại nghiễm nhiên được mời ngồi vào ghế giám khảo của một chương trình truyền hình phát ở đài quốc gia như thế? Liệu những người như thế sẽ dạy điều gì cho thí sinh ngoài một thái độ sống đề cao bản năng mà bỏ qua mọi khuôn phép? Và những thí sinh tạo ra bộ mặt chuyên nghiệp cho thời trang Việt như Vietnam’s Next Top Model, sau khi rời chương trình này sẽ bước vào nghề bằng tâm thế nào với sự khuyến khích bộc lộ hết mức có thể như những gì đang diễn ra?
Trên trang cá nhân của mình, dù không trực diện nhưng người mẫu Xuân Lan, người nhiều năm qua dành nhiều tâm huyết cho việc đào tạo nên những thế hệ người mẫu kế thừa, đã bức xúc viết: “Giữ lấy danh dự của nghề người mẫu”. Trên mạng xã hội, không ít người kêu gọi tẩy chay Vietnam’s Next Top Model và The Face vì cho rằng, hai cuộc thi này không khác gì “chợ vỡ”. Sự tự nhiên, vốn là ưu điểm của truyền hình thực tế đã bị lợi dụng quá đà, dẫn đến buông tuồng, thiếu kiểm soát. Chưa kể, một số cảnh bị cắt đi khi phát sóng nhưng để câu khách, đơn vị sản xuất ngay lập tức đăng tải trên mạng xã hội.
Nhiều khán giả cũng ngạc nhiên đặt câu hỏi, vì sao những chương trình như Vietnam’s Next Top Model và The Face lại được trình chiếu giờ vàng trên sóng đài truyền hình quốc gia? Vai trò và trách nhiệm của VTV ở đâu khi để những sản phẩm phản văn hóa, phản giáo dục như trên tiếp cận đến công chúng, nhất là giới trẻ vốn rất dễ bị ảnh hưởng bởi các sản phẩm trên truyền hình? Và không chỉ đến Vietnam’s Next Top Model và The Face năm nay vai trò và trách nhiệm của VTV mới được đặt ra, nhưng bao nhiêu năm nay, nhân danh 3 chữ “xã hội hóa”, VTV gần như phó mặc cho các đối tác tự tung tự tác trên sóng truyền hình quốc gia bất chấp điều đó ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến xã hội.
Và đã đến lúc gọi thẳng tên trách nhiệm của Đài Truyền hình Việt Nam để đơn vị này có trách nhiệm hơn trong việc chọn đối tác cũng như kiểm duyệt nội dung các chương trình phát sóng trên các kênh của mình.