Sống trong môi trường tốt, bò sẽ cho nguồn sữa có chất lượng cao

Trong thời gian gần đây, nguồn và chất lượng sữa nước trong các hộp giấy được đề cập đến khá nhiều. Nguồn sữa tươi nguyên liệu được chú trọng phát triển mạnh với việc tăng giá thu mua sữa tươi từ các công ty sữa Việt Nam. Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng cao, sản lượng sữa tươi dường như vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Theo nghiên cứu của các nhà sản xuất, một trong nhiều lý do hạn chế đến sản lượng là do các trang trại chưa tạo được một môi trường sống dễ chịu cho bò sữa và bò cái tơ thay đàn.

Các quan sát và kinh nghiệm từ các nhà chuyên môn cũng cho thấy những con bò sống trong môi trường dễ chịu khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn và cho nhiều sữa hơn. Theo các chuyên gia từ Công ty De Laval của Thụy Điển, bò không chỉ cần có đủ thức ăn, nước uống sạch mà còn cần đến bầu không khí trong lành, nơi nghỉ ngơi sạch sẽ và được đi lại thoải mái, đứng lên nằm xuống dễ dàng. Tuy nhiên, đây chính là mặt hạn chế của các trang trại bò sữa tại Việt Nam, rất khó tìm thấy những trang trại bò sữa với những đồng cỏ xanh ngát và điều kiện thời tiết khí hậu ôn hòa mát mẻ như ở Mộc Châu, Sơn La.

Người chăn nuôi trông đợi rất nhiều từ đàn bò mình đang chăm sóc, cho nhiều sữa và ít mắc bệnh. Bò không thể đáp ứng được yêu cầu của người nông dân nếu như không được sống trong những điều kiện tối ưu, với tình hình thực tế từ các trang trại, đàn bò sữa tại Việt Nam thường sống trong điều kiện không gian hạn hẹp, nhiều tiếng ồn, thiếu ánh sáng, nguồn nước không đảm bảo…, điều này đã hạn chế phần nào khả năng tăng sản lượng sữa của bò.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc phát triển thành công đàn bò sữa cho ra sản lượng sữa cao có chất lượng tốt, ông Trần Công Chiến, Tổng Giám đốc Công ty Giống bò sữa Mộc Châu cho biết: “Trước kia bò được nuôi trên đồng cỏ và có thể sống tự nhiên. Tuy nhiên cách sống tự nhiên này lại bị giới hạn khi bò sữa đưa vào nuôi trong các chuồng trại. Chính vì vậy, chúng tôi luôn tạo ra sự thoải mái cho đàn bò bằng việc tạo ra môi trường sống theo cách sống tự nhiên của chúng, việc này đã giúp ích rất nhiều cho cả bản thân đàn bò sữa và cho người nông dân chăn nuôi bò”.

Bò là loài sống theo bầy đàn và sẽ cảm thấy rất căng thẳng khi bị tách riêng. Khi tách riêng một con ra khỏi đàn, người ta phát hiện thấy lượng bạch cầu trong sữa gia tăng. Bò nhạy cảm với tiếng ồn hơn con người. Tai bò rất nhạy với các âm thanh có tần số 8.000 Hz, trong khi tai người nhạy cảm ở mức 1.000 đến 3.000Hz. Vì nguyên nhân này, với các âm thanh không liên tục hoặc tiếng động lạ rất dễ làm bò bị stress. Đàn bò tại Mộc Châu được sống trong môi trường yên tĩnh và từng con bò đều có một vùng không gian riêng trên diện tích trên 14.420 ha.

Giống bò sữa cũng là yếu tố góp phần gia tăng sản lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu sữa tươi. Thành phần sữa của các giống thường khác nhau và thay đổi tùy theo chu kỳ của từng giống. Các loại phổ biến là Holstein, Friesian, Jersey và Brown Swiss, trong đó hơn 3.200 con bò sữa tại Mộc Châu đều là giống bò Holsten và số còn lại trong đàn thuộc loại Jersey.

Một yếu tố rất quan trọng với sản lượng sửa của đàn bò là nguồn nước. 90% thành phần sữa là nước, vì vậy sẽ không có gì ngạc nhiên khi lượng nước uống của bò có ảnh hưởng lớn đến sản lượng sữa. Khi được cung cấp đủ nước sạch, bò sẽ uống nhiều hơn, ăn nhiều hơn và tạo ra nhiều sữa hơn. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng khối lượng nước phải cung cấp cho đàn bò rất lớn. Một ký chất khô bò hấp thụ vào sẽ cần đến 5 lít nước.

Bò sẽ cần ít nhất 3 lít nước để tạo nên một lít sữa. Điều này có nghĩa là những con bò cao sản sẽ cần hơn 150 lít nước hàng ngày. Với khí hậu nóng và khô, lượng nước này sẽ cao hơn. Bò uống nước nhanh, có thể đến 20 lít/phút. Nếu không đạt được mức này, lượng nước hấp thụ vào có thể giảm đi và sản lượng sữa sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ như lượng nước hấp thụ giảm 40% có thể làm giảm sản lượng sữa khoảng 25%.

Có nhiều ý kiến khác nhau về nhiệt độ tối ưu để đạt sản lượng sữa cao nhất, theo các chuyên gia của Công ty DeLaval, dựa trên các nghiên cứu khác nhau cho biết nhiệt độ tối ưu cho nước uống là từ 15 độ C - 18 độ C, vì ở nhiệt độ này, bò sẽ hấp thụ được lượng nước nhiều nhất.

Một điều rất quan trọng là chất lượng nguồn nước. Bò thích uống nước sạch và mát, thậm chí chúng còn nhạy cảm với chất lượng nước hơn con người. Tại Nông trường Giống bò sữa Mộc Châu, mỗi chuyên gia khi đi ngang qua máng nước dành cho bò uống phải tự hỏi mình có uống được loại nước đó không và nếu câu trả lời là không thì nước trong máng phải được thay ngay lập tức. Nguồn nước tại Mộc Châu lấy từ các giếng khoan sâu với nhiệt độ bình quân năm tại khu vực này là 18 độ C chính là điều kiện tối ưu cho việc gia tăng sản lượng sữa của đàn bò.

Khả năng di truyền của bò sữa hiện nay rất cao và vẫn tiếp tục được nghiên cứu, phát triển, và các nghiên cứu cho thấy cách thức cho ăn và nguồn thức ăn cho bò đang ngày càng trở nên quan trọng. Lượng sữa được sản xuất ra phụ thuộc chủ yếu vào số lượng và chất lượng thức ăn của bò.

Tuy không phải các trang trại bò sữa tại Việt Nam đều có được điều kiện địa lý và khí hậu lý tưởng để sản xuất ra nguồn sữa có chất lượng cao như tại Mộc Châu, Sơn La nhưng việc chú trọng cao đến nguồn thức ăn cho bò sẽ giúp các nông trại cải thiện được chất lượng nguồn sữa của đàn bò; cùng với việc kết hợp các yếu tố thiết kế chuồng trại, hệ thống vắt sữa, chăm sóc… để tạo nên môi trường sống thoải mái, đàn bò sữa Việt Nam sẽ được cải thiện và tăng trưởng trong thời gian không lâu.

(Nguồn do Tập đoàn Tetrapak cung cấp)

Quỹ thời gian hàng ngày được đơn giản hoá của 1 con bò đang cho sữa như sau:

Hoạt động: Quỹ thời gian (giờ/ngày)
Ăn: 3 đến 5 giờ (9 đến 14 bữa ăn mỗi ngày)
Nằm nghỉ: 12 đến 14 giờ
Hoạt động giao tiếp trong đàn: 2 đến 3 giờ
Nhai lại: 7 đến 10 giờ
Uống nước: 30 phút
Bên ngoài chuồng (vắt sữa, đi lại): 2,5 đến 3,5 giờ

Nguồn: Grant, Rick:
Kết hợp các hành vi của bò sữa vào công cụ quản lý.

Tin cùng chuyên mục