Mỗi lần máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi thích nhất khoảnh khắc ngồi ở cửa sổ ghé mắt nhìn xuống bên dưới. Phố xá đông đúc giữa hai bờ sông. Những con sông ở thành phố mà có người ví nó như con rắn khổng lồ, luồn lách qua những con phố trước khi hòa vào nhau, đổ ra biển cả. Nhưng với tôi, nó tựa như dải lụa nên thơ, mềm mại, uốn lượn, bao bọc lấy phố phường. Cảm giác nhìn ngắm từ trên cao càng thấy rõ, nói Sài Gòn là thành phố của những dòng sông chẳng hề sai. Và cái tên Sài Gòn kẻ chợ, trên bến dưới thuyền không phải bỗng dưng mà có. Những dòng sông mỗi ngày vẫn chảy trong thành phố, kết hợp với hệ thống kênh rạch chằng chịt tạo nên đặc trưng riêng cho “Hòn ngọc Viễn Đông”.
Đó là nhìn từ trên cao. Nếu chậm một nhịp giữa cuộc sống bộn bề, sẽ thấy những dòng sông tưới mát tâm hồn, mang đến cảm giác bình yên đến lạ. Có lẽ vì thế nên không ngạc nhiên khi người dân thành phố thích chọn những nơi bờ sông để giải trí. Bến Bạch Đằng, ngay cả trước khi được quy hoạch, chỉnh trang đẹp như hiện nay đã trở thành địa điểm check-in lý tưởng. Nay, nó giống như một phố sông tấp nập không ngớt. Người đến có thể chỉ tìm kiếm một bức hình đẹp, lên tàu đi chuyến buýt sông hay dạo bước thư thái trong buổi bình minh hoặc chiều tà. Lại có người muốn đổi cảm giác ngồi trên du thuyền ăn tối trong không gian giữa bốn bề sóng vỗ dập dờn. Nhiều người lại thích ngắm nhìn vẻ rực rỡ về đêm với muôn ánh đèn xanh đỏ của TPHCM từ hướng Thủ Thiêm. Thành phố bên sông trở nên lấp lánh, huyền ảo khi nhìn từ bờ bên này.
Cũng là cái tấp nập nhộn nhịp, không thể không kể đến bến Bình Đông, nhất là những ngày cận tết. Trên bến dưới thuyền rực rỡ sắc hoa, trái và những nụ cười thấm đẫm giọt mồ hôi. Nó khiến những người hoài cổ Sài Gòn nhớ về một thời giao thương tấp nập của những rạch Cầu Sấu, kênh Chợ Vải, rạch Cây Cám, nay trở thành những con đường lớn như Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn... Những bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Lò Gốm, Tham Lương… nay cũng được trang hoàng, đôi bờ xanh mướt những bóng cây mà xưa biết bao hộ dân cư trú hai bên bờ.
Nếu muốn lắng lòng mình cùng dòng sông, thử một lần bước lên những chuyến đò, phà ngang, nghe tiếng máy chạy xình xịch, rẽ làn nước sóng sánh. Ghé miếu nổi Phù Châu - ngôi miếu hơn 300 năm tuổi độc đáo ở Sài Gòn tốn chừng vài phút đi thuyền để cảm nhận vẻ yên bình quyện trong khói hương trầm. Lên phà đi từ Thanh Đa (Bình Thạnh) sang bến phà Linh Đông (TP Thủ Đức), vẫn thấy đâu đó những gì rất thân thuộc. Hay dạo bước trong công viên văn hóa Gò Vấp, phía bờ sông Vàm Thuật vẫn cảm nhận vẹn nguyên sự hoang sơ, đôi bờ cỏ dại. Cũng thú vị không kém là cảm giác đạp xe, dừng chân trên những cây cầu và ngắm dòng sông trong buổi hoàng hôn, cả mặt nước ánh lên màu hy vọng.
Đôi bờ sông hay các kênh rạch ở Sài Gòn mỗi ngày lại thay da, đổi thịt, thưa vắng những căn nhà lụp xụp. Nhưng phố xá dẫu có thay đổi thì sông và hệ thống kênh rạch Sài Gòn vẫn luôn là chứng nhân trầm mặc, hiền hòa của phố phường, như bao đời vẫn thế.