Hoạt động hướng đến chủ đề Tháng hành động năm nay “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
Sống Trọn Vẹn 2024 là sự kiện thường niên của cộng đồng Người sống với HIV và các nhóm ảnh hưởng chính, đồng thời là dịp để cộng đồng chung tay hỗ trợ, cải thiện chất lượng sống của người sống với HIV.
Sống Trọn Vẹn 2024 được tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực, bao gồm các hội thảo giao lưu cùng chuyên gia, tạo nhiều khu vực trưng bày cung cấp thông tin hữu ích về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại.
Sự kiện có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS; BS. Tiêu Thị Thu Vân - Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM.
Bên cạnh đó, nhiều người nổi tiếng như Miss Universe Việt Nam 2023 Bùi Quỳnh Hoa, Á hậu 1 Miss Grand Việt Nam 2024 Lê Phan Hạnh Nguyên, Á hậu 1 Miss Universe Vietnam 2024 Quỳnh Anh, người đẹp Nguyễn Trang Nhung, Lê Vũ Phương… cũng đồng hành.
Với chủ đề “Chất lượng cuộc sống của người sống với HIV”, những hội thảo tại Sống Trọn Vẹn 2024 hướng đến việc đáp ứng Mục tiêu 95 trong chiến lược phòng chống HIV/AIDS: 95% Người sống với HIV có chất lượng cuộc sống tốt.
Đêm hội “Sống Trọn Vẹn” là sự kiện đặc biệt nhằm lan tỏa thông điệp với mục tiêu giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Sự kiện còn là lời kêu gọi sự phối hợp từ các văn nghệ sĩ, cơ quan báo chí và truyền thông trong việc lan tỏa thông điệp.
Trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận 13.445 ca nhiễm HIV mới và 1.623 trường hợp tử vong, trong đó hơn 80% là nam giới nhiễm qua đường tình dục. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM và Đông Nam bộ chiếm tỉ lệ ca nhiễm mới cao nhất. Đáng chú ý, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng nhanh chóng, chiếm khoảng 60% số trường hợp nhiễm mới toàn quốc.
Việt Nam đang mở rộng dịch vụ xét nghiệm HIV qua cộng đồng và trực tuyến, đồng thời tập trung vào biện pháp phòng ngừa như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho các nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt MSM. Các biện pháp can thiệp như cung cấp bơm kim tiêm sạch và điều trị thay thế methadone vẫn được duy trì để kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy.
Mặc dù có tiến bộ trong việc điều trị với hơn 178.000 bệnh nhân HIV đang sử dụng thuốc kháng virus ARV, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc phổ biến các biện pháp phòng chống và điều trị trên toàn quốc.