Thôn Đông Yên 3, nằm cách biệt giữa lòng sông Trà Bồng, mỗi mùa nước lũ, sông lại cuốn trôi thêm vài chục mét đất, người dân đã phải di dời nhiều lần từ những năm 2000 đến nay. Thế nhưng tình trạng sạt lở ở đây vẫn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng.
Các đợt mưa lũ liên tiếp trong tháng 11 vừa qua, với những trận lũ lớn kinh hoàng, nước sông Trà Bồng dâng cao, chảy siết đã kéo sập hàng trăm mét đất, bứng nhiều lũy tre bao ruộng vườn, cây cối của người dân trong thôn. Hậu quả, sau những đợt mưa lũ, sạt lở, nhiều nhà dân bỗng dưng ở sát mép sông, đối diện với mất nhà, mất đất. Trong đó, có nhiều nhà bị đổ sập.
Ông Đỗ Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Bình Dương, huyện Bình Sơn cho biết: “Trong nhiều năm liền, mưa lũ đã làm sạt lở kéo dài 1.000m. Tuy nhiên, đợt mưa lũ quá lớn trong tháng 11, nước sông Trà Bồng đã ăn sâu, nhiều nơi đến 10-15m, ảnh hưởng đến 240 hộ dân trong khu vực, đặc biệt có 4 nhà dân và các công trình phụ gần sông có nguy cơ cao đe dọa sạt lở trực tiếp”.
Người dân địa phương đã trồng tre để hạn chế sạt lở, nhưng chưa có năm nào, sạt lở lại diễn ra nhanh đến mức kéo sập cả bụi tre, vườn chuối, chuồng trại của dân như năm nay.
Ông Phan Đình Tuyên (thôn Đông Yên 3) cho biết: “Nước sông lớn rất nhanh, chỉ trong buổi trưa đến tối của đợt bão số 12 đổ bộ, thì đất vườn nhà ông đã bị cuốn trôi 7m, kéo tới vách chuồng heo, sập cả cây cối hàng chục năm tuổi.” Hiện giờ, nhà ông Tuyên chỉ còn cách bờ sông 4m, mực nước sông ở gần vườn nhà ông đã sâu hơn 6m nước.
Nhà bà Huỳnh Thị Thuộc (thôn Đông Yên 3), bà sống một mình, nên khi nước sông dâng lên, lực lượng dân quân đã phải đưa bà rời khỏi căn nhà đang có nguy cơ bị sông “gặm”. Bà Thuộc cho biết: “Tôi sống từ năm 1975 ở vùng đất này, đất cứ mỗi năm lại sạt lở, nhưng năm nay, cả vườn chuối, bụi tre bị trôi đến 5m đất. Bây giờ phía sau nhà lởm chởm đất chỗ lún xuống cả mét”.
Nhà bà Nguyễn Thị Phương trong thôn cũng đã phải di dời vào trong xóm, vì nước sông đã chạm đến sát mép nhà, chỉ khoảng 3m nữa là nhà cuốn trôi.
Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, chính quyền đã kiến nghị lên huyện hỗ trợ đê kè cho thôn để giữ đất, giữ làng, trong khi đó, xã khuyến khích bà con trồng tre, cói và di dời dân khi xảy ra nguy cơ sạt lở.