“Chỉ mang theo những thứ cần thiết thôi, còn bỏ lại hết đi con”. Lật tung tủ đựng quần áo của ba mẹ con, chị Nguyệt dặn cô con gái thu xếp đồ đạc để chuyển nhà sang thuê căn hộ nhỏ ở phường 11 (quận Phú Nhuận). Chị Nguyệt nói: “Nhà có ba mẹ con, lâu lâu ông xã mới về mà hơn 10 năm qua, gia đình thuê nguyên căn này ở. Giá thuê lúc đầu có 6 triệu đồng, giờ lên tới 10 triệu đồng/tháng. Thuê căn hộ dịch vụ bên phường 10 có 5,5 triệu đồng, mỗi tháng tiết kiệm được gần 5 triệu đồng, đỡ bao nhiêu”. Kể về cái tết vừa qua, chị Nguyệt cho biết, mấy mẹ con chi tiêu hết vào các khoản sắm sửa và phụ giúp gia đình hai bên nội ngoại ở quê chỉ hơn 10 triệu đồng. “Rồi cũng qua, tiết kiệm được bao nhiêu từ cái tết”, chị Nguyệt nói.
Tiết giảm mọi chi phí, chỉ tiêu dùng, sử dụng những gì thật cần thiết cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày là cách mà gia đình anh Hà Văn Hoàng và nhiều công nhân, lao động trong xóm trọ ở một con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông (quận 7) lựa chọn. Theo anh Hoàng, đại dịch Covid-19 làm thay đổi mọi tư duy, suy nghĩ, thói quen trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của mọi người, nhất là đối với công nhân, lao động. “Mọi thứ trở nên đơn giản hơn, không cầu kỳ, tính toán, sắp xếp chi li cho từng bữa ăn, đi lại, mua sắm đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như trước kia. Chỉ khi thật cần thiết và hữu ích cho cuộc sống, làm cho tinh thần thoải mái thì mới tính đến. Còn không, không có cũng không sao, chậm một chút cũng không ảnh hưởng gì, miễn vui vẻ, thoải mái là được rồi”.
Người trẻ cũng có những suy nghĩ hướng định cuộc sống tối giản như trường hợp chị Nguyệt, anh Hoàng. Đại dịch Covid-19 cũng làm thay đổi những thói quen của người trẻ trong sinh hoạt, tụ tập, học nhóm, tiếp xúc gần khi làm việc theo nhóm… Bạn Nguyễn Hữu Khánh, sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM, nói: “Nhiều mối quan hệ thấy không thật thân quen, hữu ích cho mình là tôi từ chối gặp khi có lời mời gặp mặt, đi đây đi đó. Trên mạng xã hội cũng vậy, chỉ tương tác, trao đổi thông tin với bạn bè, cộng đồng ở những lĩnh vực, hoạt động cần thiết cho mình”.
Xu hướng sống an hòa, tiết giảm mọi thứ không cần thiết; bình tâm, giữ vững tinh thần khi đối mặt với những khó khăn, thử thách; tránh xa những nguy cơ rủi ro, những bất lợi trong các mối tương tác, quan hệ xã hội đang dần thích ứng và định hình một lối sống tối giản với nhiều người khi sống chung với dịch Covid-19. Và dự báo, xu hướng này còn kéo dài một thời gian nữa.