Góp gạo thổi cơm chung
Nói là sống thử, nhưng thực tế là chung sống như vợ chồng dù chưa có lễ cưới và chưa đăng ký kết hôn. Ở các quốc gia phương Tây, đây là lựa chọn thoải mái của các bạn trẻ. Nhưng ở Việt Nam, gia đình và xã hội vẫn xem việc chung sống trước hôn nhân là điều cấm kỵ.
Có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khiến các bạn trẻ lựa chọn sống thử. Cuộc sống sinh viên, công nhân xa quê, không có sự quản lý của gia đình, tâm trạng cô đơn và nhu cầu tâm sinh lý khiến các bạn trẻ lựa chọn sống chung với người yêu để tìm kiếm sự chia sẻ, cảm thông, đỡ đần nhau trong cuộc sống. Nhiều đôi bạn trẻ coi việc góp gạo thổi cơm chung là một trào lưu thời thượng và sành điệu, không còn xem hôn nhân - gia đình là việc nghiêm túc và hệ trọng.
Chung sống mà không xác định rõ ràng về tình cảm, trách nhiệm, mục tiêu, do đó dễ dẫn đến những hệ lụy. Nhiều đôi bạn trẻ sống thử khi chưa chuẩn bị cho bản thân những kiến thức cơ bản, chưa tìm hiểu pháp luật về hôn nhân - gia đình, thậm chí chưa biết cách quan hệ tình dục an toàn. Theo thống kê của Quỹ Dân số thế giới, Việt Nam nằm trong số 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, mỗi năm có trung bình 300.000 ca nạo phá thai, trong đó có hơn 6.000 ca ở tuổi vị thành niên. Không chỉ vậy, nhiều đôi bạn trẻ còn thiếu kiến thức và chưa chuẩn bị đủ điều kiện cho việc tổ chức cuộc sống nên kinh tế chật vật dù vất vả làm thêm, khiến ngay trong thời gian sống thử đã phát sinh những mâu thuẫn, cãi vả dẫn đến chia tay.
Bạn P.V. (sinh viên Đại học Nông Lâm TPHCM) chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi đồng tình hay đánh giá cao việc sống thử trước hôn nhân. Không phải do cổ hủ, chỉ vì tôi thấy rất hiếm đôi bạn sống thử mà thành vợ thành chồng. Khi tan vỡ, chia tay thì chịu thiệt thòi, khổ đau chỉ là người phụ nữ”.
Không chỉ là chuyện riêng tư
Đúng là các cặp tình nhân sinh viên hay công nhân sống thử trước hôn nhân rất hiếm trường hợp kết hôn. Có những bạn đang ngồi trên giảng đường đại học đã thành ông bố bà mẹ trẻ, không thể nào tập trung công sức, trí tuệ cho việc học tập đạt kết quả tốt. Đã xảy ra những vụ hành hung, bạo lực, thậm chí án mạng do những mâu thuẫn phát sinh trong thời gian sống thử.
Quan hệ tình dục không an toàn khiến nhiều đôi lứa sống thử phải đến bệnh viện nạo phá thai
Trước đây, sống thử trước hôn nhân là một hiện tượng lệch chuẩn đạo đức xã hội, nhưng khi ngày càng có nhiều đôi bạn trẻ sống thử, những bạn bè, đồng nghiệp, người chung quanh đã ít dị nghị hơn, xem đó là chuyện riêng tư cá nhân. Thực tế, việc chung sống trước hôn nhân không chỉ tồn tại những mặt tiêu cực. Chị T.V. (cựu sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật miền Nam) chia sẻ: “Sống ở TPHCM vật giá đắt đỏ. Hai đứa chúng tôi là sinh viên phải dè sẻn từng đồng, nên về sống chung tiết kiệm được tiền phòng trọ, tiền ăn uống sinh hoạt, lại còn cùng dành dụm để lo tiền cưới nữa. Chúng tôi sống chung đã hơn 3 năm, nhờ vậy có điều kiện để hiểu nhau hơn, cùng chia sẻ những vui buồn và có định hướng tốt nhất cho cuộc sống hôn nhân sau này”.
Sống thử trước hôn nhân bắt nguồn từ sự tự nguyện của hai người. Dù vậy, gia đình và xã hội nước ta ngày nay vẫn không hoan nghênh, không khuyến khích việc sống thử. Do vậy, các bạn trẻ nên tỉnh táo khi quyết định có trải nghiệm sống chung với nhau trước hôn nhân hay không, vì chính các bạn phải chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình. Yêu vội, sống vội khi chưa đủ năng lực và điều kiện tổ chức cuộc sống, sẽ khó dẫn đến kết quả tốt đẹp.
Sống thử trước hôn nhân còn là câu chuyện của các nhà giáo dục, của gia đình, của xã hội. Các phụ huynh cần quan tâm, trang bị cho con cái những kiến thức về giáo dục giới tính, ý thức trách nhiệm đối với hôn nhân - gia đình. Nhà trường đại học, đoàn thanh niên, hội sinh viên và tổ chức công đoàn các doanh nghiệp cần tạo cơ hội cho những cuộc trao đổi cởi mở với các bạn trẻ về cuộc sống - tình yêu - hôn nhân, qua đó giúp các bạn trẻ trang bị thêm kỹ năng sống cần thiết để vào đời, kiếm tìm hạnh phúc.