Mải miết đi tìm tên đồng đội
Tên của chị là Lại Thị Kim Túy nhưng đồng đội quen gọi chị là Sáu Tý. Tôi biết chị vào mùa xuân năm 2013, trong một đám giỗ biệt động Sài Gòn ngày mùng 6 tết. Sau bữa tiệc, chị mời một số bạn bè về nhà chị ăn bữa tiệc cơm rau.
Đang ăn, chị Bảy Sợi, cựu biệt động Sài Gòn, buông đũa, ngậm ngùi nói: “Mấy ngày nay nghe báo đài nhắc chuyện Mậu Thân, tôi nhớ thương đồng đội, không ngủ được. Thủ trưởng của tôi, ông Sáu Ngay, chết ở Ba Thu…”. Chị Tý nắm lấy tay chị Bảy Sợi, dồn dập hỏi: “Sáu Ngay, Sáu Ngay nào, có phải…”. “Thì Sáu Ngay đó chớ còn đâu nữa”. Chị Tý nghẹn ngào: “Sau những ngày Mậu Thân, em đi tìm ảnh. Đâu ngờ…”.
Gương mặt in dấu một thời xuân sắc của chị bần thần. Chị Tý nói: “Cả đơn vị chỉ còn em sống sót trở về Sau hòa bình, em tìm lại chỗ cũ nhưng tất cả đều đổi thay, không còn dấu vết gì…”. Chị Bảy Sợi nói: “Nghe nói có tấm bia gì đó ở phường Tân Thới Hòa, đâu em tới đó coi”. Sáu Tý nói: “Em sẽ đi”. Không khí buổi tiệc đầu xuân lắng đọng ký ức những người còn sống, nhớ về những người đã nằm xuống. Từ hôm ấy, chị Tý đi tìm và đã gặp.
Đứng trước tấm bia, chị Tý nghẹn ngào nói: “Còn thiếu rất nhiều tên liệt sĩ!”. Chị nhắc tên từng người đã từng chiến đấu bên chị. Lặng đi một lúc, chị ngậm ngùi: “Sau trận đánh, địch phản công ác liệt. Là phụ nữ, tôi dễ cải trang thành thường dân, mất hết giấy tờ, chạy giặc. Nhờ vậy mà thoát ra ngoài. Các anh ở lại, chiến đấu và hy sinh gần hết. Anh Sáu Ngay chỉ huy trận ấy. Thoát khỏi vòng vây, tôi không còn được gặp lại đồng đội. Mãi đến Tết Quý Tỵ này, qua chị Bảy Sợi, tôi mới biết anh Sáu Ngay hy sinh!”.
Chị Tý kể: “Sau trận chiến 5 ngày, tôi tìm cách quay lại. Tất cả đều tan hoang, điêu tàn sau trận chiến. Hòa bình, tôi có trở về chốn cũ, thăm lại đồng đội trong trận đánh năm xưa. Nhưng tôi không tìm ra dấu vết, bởi khung cảnh đổi thay nhiều quá!”.
Vì không muốn thời gian phủ mờ lên xương máu những người đã nằm xuống mà chị Tý quyết tâm đi tìm. Sau khi nghe nói người chỉ huy trận đánh là đội trưởng Sáu Ngay đã hy sinh, chị tự nhận lấy trách nhiệm bổ sung tên tuổi những chiến sĩ đã nằm xuống, ngay nơi tấm bia chị đứng.
Từ ấy đến nay, chị miệt mài đi tìm và đã cung cấp cho phường Tân Thới Hòa thêm nhiều tên liệt sĩ. Tấm bia đã khắc được 24 tên người trong tổng số 38 chiến sĩ đã hy sinh. Các anh phần lớn quê ở Đức Hòa, thuộc đội biệt động vùng 3 cánh Tây Nam phân khu 2. Trước khi tham gia đội biệt động vào nội đô, chị là Hội trưởng Phụ nữ xã Tân Hòa, Đức Hòa, vận động thanh niên tòng quân.
Nhiều thanh niên đã lên đường theo lời kêu gọi của chị. Giờ thì tôi hiểu vì sao chị gắn bó với Tân Hòa như người con ruột thịt. Hàng năm, chị vận động hàng trăm phần quà cho bà con nghèo nơi đây vì món nợ với đồng đội. Và cho đến nay, chị vẫn mải miết đi tìm tên đồng đội, để những người ngã xuống vì Tổ quốc không thể nào vô danh!
Đến gia đình biệt động
Theo chị về Tân Mỹ, tôi hiểu thêm cội nguồn sức mạnh của một gia tộc. Dưới gốc tre có tuổi thọ hơn trăm năm, chị tập hợp đàn cháu chắt mấy chục đứa, kể chuyện gia tộc họ Lại. Mảnh đất này, nơi họ đứng, thấm máu bao thế hệ. Bà Phạm Thi Cầm, mẹ chị, có bảy người con thì bốn người là liệt sĩ. Chồng bà cũng hy sinh năm 1968, ngay nơi vạt đất này. Nếu tính luôn chồng chị thì gia tộc có 6 người ngã xuống cho Tổ quốc. Lại Thị Út, em gái chị hy sinh khi mới 18 tuổi. Bản thân chị là thương binh.
Đợt 2 Mậu Thân, bị chiêu hồi chỉ điểm, máy bay đổ quân, bắt cả hai vợ chồng em gái thứ bảy của chị - Lại Thị Nga đày đi nhà tù Thủ Đức, chồng chị Nga bị đưa ra Côn Đảo. Trong trận càn quét đó, mẹ chị bị mảnh bom rơi vào đầu, may nhờ có bà con đưa ra trạm quân y cấp cứu. Nỗi đau chồng hy sinh chưa kịp nguôi ngoai thì người mẹ phải hứng chịu thương tích, nỗi lo con gái và con rể trong xích xiềng tù ngục...
Thương mẹ chịu nhiều đau khổ, mất mát, sau ngày hòa bình, chị đưa mẹ về thành phố phụng dưỡng. Để mẹ vui, chị giấu kín nỗi đau riêng của mình. Chồng chị - ông Phạm Văn Mại, Bí thư xã Tân Mỹ, bị trực thăng Mỹ vây, bắn chết giữa cánh đồng, năm 1967. Cưới nhau chưa đầy hai năm, mỗi người đều dấn thân vào cuộc chiến, vợ chồng ít có dịp gặp nhau, chưa kịp có con thì ông đã hy sinh.
Sau Mậu Thân, chị gặp ông Nguyễn Văn Tăng, người chỉ huy đội biệt động. Ông là một người mưu trí, kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu nhưng cũng nổi tiếng đào hoa, ít chú tâm cuộc sống gia đình. Vậy là việc nhà dồn lên đôi vai mảnh mai của chị.
Chị bộc bạch: “Chị có cả bầy cháu đang tuổi ăn học, nhiều bà con gặp khó khăn, nên chị tự nhủ phải kiếm tiền, thật nhiều tiền để giúp đỡ họ. Chị không nề hà bất cứ việc gì, miễn đó là những đồng tiền kiếm được bằng sự thiện lương!”. Tự kiếm được tiền, chị tự chủ được cuộc sống của mình. Chị tự nhủ ân tình quê hương, đồng bào, đồng đội trĩu nặng, chị phải tìm cách trả.
Chị về quê chồng cũ, tìm lại người con trai của ông Mại với người vợ trước chết vì bệnh, giúp đỡ gia đình anh vượt qua khúc quanh khó khăn. Năm đứa cháu nội của liệt sĩ Phạm Văn Mại đều gọi chị là bà nội. Một đứa cháu gái của chồng cũ được chị đưa về nuôi nấng, tạo công ăn việc làm. Chị có một đại gia đình để yêu thương, chia sẻ.
Tôi thật bất ngờ khi đứng dưới bờ tre già, nghe những đứa cháu thay vì gọi chị là cô, là bà lại gọi chị là cha; bởi chiến tranh đã cướp đi những người đàn ông trong gia tộc, cả người em gái út xinh đẹp của chị. Chị gồng mình lên, đảm đang, tháo vát, vun đắp cuộc sống, tương lai cho đàn cháu. Chị nói: “Đừng quên gốc tre này đã từng che chở bao chiến sĩ cách mạng. Đừng quên đất này thấm máu ông, bà, cha chú. Bom pháo dập khiến thân xác người ông các con hòa vào đất. Rồi lần lượt nhiều người ngã xuống. Các con phải giữ lấy gốc rễ, sống đàng hoàng tử tế!”.
Trả món nợ ân tình
Chuyện chị làm từ thiện như góp sức trùng tu cả một ngôi đình, vận động tặng quà cho người nghèo, xây bia tưởng niệm 38 liệt sĩ hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Bình Tân; mỗi năm mang hàng trăm phần quà tặng người nghèo ở Tân Mỹ, chăm lo những gia đình liệt sĩ ở quê hương và đồng đội… thật đáng trân quý.
Chị kể: “Hồi công tác phụ nữ ở Tân Mỹ, tôi vận động thanh niên tham gia cách mạng. Em Hoàng Đình Minh, con trai mẹ Đỗ Thị Cúc, tòng quân mới một tuần đã bị địch sát hại. Minh là con trai út. Trước đó, hai anh của Minh lần lượt hy sinh. Quá đau khổ, cha Minh vác dao tìm tôi cả tháng trời vì đã “rủ rê” con ông đi theo quân giải phóng. Hòa bình, mẹ Cúc theo con gái bỏ xứ đi làm ăn ở đâu không rõ. Tôi dò la tin tức, cất công đi tìm mẹ. Mãi đến năm 1996, tôi mới biết mẹ về Tây Ninh. Đến nơi, nhìn ngôi nhà rách nát, thấy cảnh mẹ Cúc bị tai biến không ai chăm sóc. Chị Ghì - người con gái duy nhứt còn lại của mẹ phải đi làm mướn nuôi hai đứa con nhiễm chất độc da cam, tôi quá xót xa. Ngay lúc đó, tôi quyết định đưa cả nhà mẹ về Sài Gòn nuôi dưỡng. Hai con chị Ghì, một đứa bị chứng thiếu máu mãn tính, mỗi tháng phải vào bệnh viện truyền máu. Tôi đi làm bảo hiểm y tế cho mấy mẹ con, chia sẻ những khó khăn, lo việc học hành, công ăn việc làm cho hai đứa con của chị. Nhiều người bạn nói tôi đưa cả gia đình mẹ Cúc về nhà nuôi dưỡng rất phức tạp, nhiều hệ lụy. Có thương thì cho họ ít tiền. Tôi nghĩ khác. Tôi đang sống thay những người đã nằm xuống, nên càng phải có trách nhiệm cưu mang, yêu thương người thân những người đã hy sinh!”.
Chị thấy được thanh thản phần nào khi phụng dưỡng mẹ Cúc được 5 năm cuối đời. Cho đến giờ thì tôi mới hiểu vì sao bàn thờ nhà chị có chân dung hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cùng các liệt sĩ là cha, 3 người anh, chồng và em gái chị. Một gia đình biệt động, có quá nhiều người ngã xuống cho Tổ quốc. Chị sống giản dị dù tôi biết chị không thiếu tiền. Nhạc chờ điện thoại của chị bao giờ cũng là “Quả pháo ơi sao mà vui như đứa trẻ…”. Chị sống thay cho những người đã nằm xuống và với chị, sống là cho đi…