Xã Phước Đồng, TP Nha Trang là nơi có nhiều đồi núi, nhưng do nằm trong khu vực thành phố, nên từ trước đến nay có rất nhiều người dân nghèo tìm về đây định cư. Đa phần những hộ dân sống dọc chân núi đều xây cất nhà tạm, nhà không phép vì nguồn gốc đất chủ yếu là đất rừng lấn chiếm. Do công tác quản lý không tốt, nên Phước Đồng trở thành “điểm nóng” trong xây dựng, hình thành các khu dân cư tự phát trong sự bất lực của địa phương.
Cứ mỗi mùa mưa lũ, các xóm dân dưới chân núi thường bị sạt lở nghiêm trọng. Nhẹ thì nhà sập, người bị thương, nhưng thực tế đã có hàng chục người tử nạn do lở núi tại xã Phước Đồng vào các mùa mưa trước. Nhưng nghịch lý, mỗi lần tai ương đi qua, người dân vẫn tìm về chốn cũ, tiếp tục dựng nhà ngay chính nơi từng bị vùi lấp. Dù rằng, họ biết nơi đây không an toàn, nhưng xóm núi vốn là người nghèo, lao động tự do, kiếm cơm từng bữa đã khó thì đâu có nhiều sự chọn lựa.
Chúng tôi có mặt tại thôn Thành Phát, Thành Đạt (xã Phước Đồng, TP Nha Trang) sau gần 2 năm đợt sạt lở kinh hoàng xảy ra tại đây. Khung cảnh ảm đạm của xóm núi sau chừng ấy thời gian vẫn hiện ra đó. Hàng chục ngôi nhà bị đất đá vùi lấp bị bỏ dở, hoang tàn sau trận lũ quét cách đây gần 2 năm còn hiện hữu. Dạo quanh xóm núi, thi thoảng chúng tôi bắt gặp cảnh một số nhà tôn tạm bợ được dựng lên trên chính những ngôi nhà đã bị sụp đổ trước đó. Thành Phát, Thành Đạt nay không còn như xưa! Người dân nơi đây vẫn ám ảnh cảnh nhà sập, tốc mái, đất đá lăn lóc từ núi xuống làm biến dạng cả khu dân cư.
Lau nước mắt, nhìn về bãi đất đá ngổn ngang, nơi đã vùi lấp bố mẹ ruột của mình, chị Lê Thị Kim Dung (33 tuổi) vẫn chưa thể quên giây phút kinh hoàng năm đó.
Chị Dung kể: “Sáng sớm ngày 18-11-2018, nhà tôi vốn dĩ cất ở khu đất thấp trũng, nên khi có mưa lớn đổ từ núi xuống, cả nhà chủ động chạy qua căn nhà bên cạnh cao ráo hơn để trú tránh. Nào ngờ, đá trên núi ầm ầm đổ xuống, trong nháy mắt đã làm sập tường cả căn nhà khiến bố mẹ tôi tử vong”.
Theo chị Dung, dù biết đây là nơi nguy hiểm nhưng do gia cảnh khó khăn nên gia đình phải định cư trên triền núi, chứ mua đất ở nơi bằng phẳng thì không biết khi nào. “Sau trận lở núi, từ hôm đó chính quyền không cho ở đây nữa vì không an toàn. Nhưng bây giờ tôi không ở đây thì biết ở đâu, khi nghề nghiệp bấp bênh, thu nhập không ổn định”, Dung nghẹn ngào.
Nhiều hộ dân ở khu dân cư dưới chân núi này cho biết, họ chỉ sinh sống ở đây những lúc thời tiết bình thường, nếu xảy ra mưa lớn, bão lũ thì sẽ chủ động di dời đi nơi khác để đảm bảo an toàn. Nhiều người dân bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, quy hoạch một khu vực sinh sống mới cho các hộ dân nơi đây, bởi vị trí hiện nay chính quyền không cho xây dựng nhà kiên cố.
Ông Bùi Cao Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, cho biết, hiện nay UBND TP Nha Trang đã lập phương án di dời gần 700 hộ dân 2 thôn Thành Phát, Thành Đạt sinh sống dưới chân núi. Phương án này đã được trình lên UBND tỉnh Khánh Hòa, nhưng sau khi xem xét, tỉnh chưa phê duyệt, yêu cầu bổ sung một số nội dung. Trong phương án dự kiến, sẽ đưa các hộ dân về tại khu tái định cư Phước Hạ, xã Phước Đồng. Theo đó, sẽ kiến nghị xây nhà ở xã hội cho thuê hoặc sử dụng quỹ đất tái định cư để bố trí cho bà con mua. Còn mức giá cụ thể như thế nào thì sẽ tùy từng đối tượng, từng trường hợp. Tuy nhiên, hiện nay chưa thống nhất phương án cụ thể.