Nhận được phản ánh của người dân qua Đường dây nóng Báo SGGP, phóng viên có mặt tại xã Hương Liên, ghi nhận hàng loạt vị trí dọc thượng nguồn bờ sông Ngàn Sâu đã bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều diện tích đất sản xuất, đất vườn, công trình chuồng trại chăn nuôi và cây trồng các loại của người dân bị đổ sập, cuốn trôi theo dòng nước; đặc biệt là đoạn qua địa bàn thôn 1, thôn 2 và bản Rào Tre (nơi có đồng bào dân tộc Chứt sinh sống). Ngoài ra, sạt lở áp sát tuyến Huyện lộ 5 “độc đạo” đi vào bản Rào Tre, đe dọa nguy cơ đổ sập, chia cắt vào mùa mưa lũ.
Gia đình ông Hồ Trung Kiên (trú thôn 1) là một trong số hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở nặng nhất về đất sản xuất, đất vườn và cây trồng. Ông cho biết, trước đây đất vườn và các bụi tre trồng ra ngoài lòng sông Ngàn Sâu khoảng 40-50m, nay đều đã bị “nuốt chửng”. Thời gian qua, hàng trăm cây dó trầm 13-15 năm tuổi, bưởi Phúc Trạch, cam và các loại cây trồng khác, 1 chuồng trại chăn nuôi gia súc cùng hàng trăm mét vuông đất sản xuất, đất vườn của gia đình ông bị sạt lở, cuốn trôi. Theo ông Kiên, hiện nay, dọc bờ sông bị khoét lở hàm ếch, tạo thành vách dựng đứng cao 6-8m và áp sát vào khu vực nhà ở, chỉ cách 10-15m. Chỉ vài đợt mưa lũ nữa thì vườn cây dó trầm, bưởi Phúc Trạch, cam, mít và các công trình phụ còn lại cũng sẽ bị sạt lở, cuốn trôi.
“Gia đình tôi hết sức lo lắng, bất an vì tình trạng sạt lở bờ sông Ngàn Sâu ngày càng diễn biến nguy hiểm mà không có cách nào để ngăn chặn, nhất là mùa mưa lũ đang đến gần”, ông Kiên bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Liên, thông tin: Thượng nguồn sông Ngàn Sâu chảy qua địa bàn 5 thôn và bản Rào Tre của xã, với chiều dài hơn 3km, trong đó gần 2km bị sạt lở nghiêm trọng. Người dân và chính quyền địa phương rất lo lắng về tình trạng sạt lở này nhưng chưa có giải pháp khắc phục, ngăn chặn hiệu quả, ngân sách của địa phương rất khó khăn, không thể đảm bảo thực hiện được.
Theo ông Nguyễn Văn Hương, qua thống kê sơ bộ, sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đã xóa sổ hàng chục hécta đất sản xuất nông nghiệp tại cánh đồng Cây Gạo và cánh đồng Vực Cấm, khiến nhiều hộ dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không còn đất để sản xuất. Ngoài ra, hàng chục hécta đất vườn, hàng ngàn cây dó trầm, cây bưởi Phúc Trạch, cam… cùng nhiều công trình phụ đã bị cuốn trôi. Đặc biệt, sạt lở đang xâm lấn sâu vào khu vực vườn và đe dọa đến nhiều nhà dân chỉ cách khoảng 10-15m.
“Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh, huyện, địa phương và người dân đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất hỗ trợ kinh phí xây dựng kè kiên cố dọc bờ sông Ngàn Sâu, nắn dòng chảy ngăn sạt lở nhưng vẫn chưa có chủ trương, dự án nào. Thời gian qua, dù đã tiến hành gia cố trồng cây tre và một số cây khác để hạn chế sạt lở, song đều bị nước cuốn trôi, xóa sổ”, ông Nguyễn Văn Hương lo lắng.
Ông Nguyễn Trí Đồng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hương Khê, thông tin, trước mắt, huyện đã giao chính quyền xã Hương Liên cắm các biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm đến tính mạng và tạm thời gia cố, đóng cọc để hạn chế sạt lở lan rộng. Đồng thời, tuyên truyền, sơ tán những hộ dân sống gần bờ sông ở khu vực dễ xảy ra sạt lở di dời đến vị trí khác tránh trú, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.