Tại hội thảo “Đánh giá hiệu quả chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tại Việt Nam”, nhiều ý kiến cho rằng hình thức ưu đãi thông qua thuế suất và miễn giảm thuế có thời hạn không thực sự có hiệu quả, trong khi có nguy cơ trở thành kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng trốn thuế và tạo ra gánh nặng cho ngân sách. Theo TS Đinh Trọng Thắng, Trưởng Ban Chính sách đầu tư (CIEM), phạm vi ưu đãi (ưu đãi theo lĩnh vực và ưu đãi theo địa bàn, quy mô vốn) được quy định trong Luật Đầu tư 2014 là khá rộng. Có 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư và 27 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được hưởng ưu đãi về đầu tư, trong đó có ưu đãi về thuế. Có hơn 300 loại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được hưởng ưu đãi thuế với các hình thức khác nhau. Ưu đãi về thuế suất và miễn giảm thuế có thời hạn về thuế thu nhập doanh nghiệp là phổ biến nhất.
Đáng lưu ý, hiện không có số liệu thống kê về số giảm thu ngân sách do thực hiện chính sách ưu đãi thuế và hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế nên rất khó có thể đánh giá chính xác tác động của chính sách ưu đãi thuế. Tuy nhiên, nhiều kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy các yếu tố quan trọng nhất mà nhà đầu tư quan tâm khi thực hiện đầu tư (sắp xếp theo thứ tự) là sự ổn định về kinh tế và chính trị, chi phí lao động, chính sách thuế, khung pháp lý và chất lượng kết cấu hạ tầng. Dẫn lại nhận định của các tổ chức quốc tế về thu hút đầu tư tại Việt Nam, ông Thắng cho biết: “Oxfam cho rằng có rất ít bằng chứng chứng minh ưu đãi thuế theo địa bàn khó khăn là có hiệu quả thu hút đầu tư vào các khu vực này, trong khi Ngân hàng Thế giới cho rằng chính sách ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế lại vô hình trung khuyến khích doanh nghiệp tránh thuế thông qua cơ cấu lại đầu tư thành dự án đầu tư mới để tiếp tục được hưởng ưu đãi”.
Quan điểm này cũng được PGS-TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính, Bộ Tài chính) chia sẻ: Thứ nhất, tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực trong đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được vốn đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Thứ hai, một số ưu đãi thuế đang trở thành kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng trốn thuế. Thứ ba, ưu đãi thuế tạo ra gánh nặng cho ngân sách. Theo PGS-TS Vũ Sỹ Cường, Việt Nam cần nghiên cứu giảm việc áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế, song thủ tục hành chính cho việc xem xét, quyết định ưu đãi thuế cần đơn giản và minh bạch hơn…
Trong một diễn biến khác cùng ngày, yêu cầu tăng cường tính thực chất trong cổ phần hóa (CPH) để nâng cao hiệu quả cho nguồn vốn đầu tư của Nhà nước được các đại biểu tham gia “Diễn đàn quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong bối cảnh toàn cầu hóa” nhấn mạnh. TS Nguyễn Văn Khách, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận định, việc công bố thông tin và tính minh bạch đối với DNNN còn thấp; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá các DNNN còn nhiều hạn chế, chủ yếu căn cứ vào các báo cáo hành chính của công ty, trong khi cơ chế xác định tính trung thực của các báo cáo này còn chưa cao. Hơn nữa các chỉ tiêu giám sát, đánh giá hiện nay vẫn chỉ áp dụng đối với công ty mẹ/tổng công ty, chưa hình thành hệ thống tiêu chí đánh giá đối với toàn bộ công ty mẹ và các công ty thành viên. Đặc biệt, chưa có hệ thống dữ liệu quốc gia về toàn bộ doanh nghiệp có vốn nhà nước để phục vụ cho công tác giám sát, vạch chiến lược, định hướng phát triển cho toàn bộ khối DNNN.
Chia sẻ nhận định về những nhược điểm trong quản trị DNNN, TS Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng, việc CPH DNNN sẽ không đạt được mục tiêu nếu chỉ chạy theo tiến độ, “những DN nào không CPH hoàn toàn thì hầu như vẫn không có gì đổi mới về cấu trúc thời hậu CPH. Lực lượng lao động căn bản vẫn là những người cũ - vẫn vừa làm lãnh đạo, vừa làm thuê cho Nhà nước”.
Ghi nhận việc thực hiện tách biệt chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước, thông qua việc hình thành tổ chức chuyên trách thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) là một bước tiến quan trọng, các nhà nghiên cứu đã đề nghị thêm nhiều giải pháp đáng lưu ý khác, bao gồm thiết lập hệ thống thông tin quản lý vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp tầm quốc gia; áp dụng nghiêm các chế tài xử phạt đối với các DNNN không tuân thủ các quy định về công bố thông tin, gắn việc tuân thủ yêu cầu công bố thông tin với trách nhiệm người đứng đầu, người đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước…
Có thể thấy, chỉ khi có một môi trường chính sách tốt, minh bạch cho tất cả các nhà đầu tư thì các dòng vốn mới không bị tắc nghẽn, được điều hướng vào các địa chỉ mong muốn và tạo ra hiệu quả cao nhất cho xã hội.