Trao đổi với PV Báo SGGP, một lãnh đạo UBND xã Mỹ Thắng cho biết, trước đây, khu vực ven biển xã này có 1 dự án dời dân vùng triều cường lồng ghép trong dự án tổng thể của huyện Phù Mỹ. Tuy nhiên, do một số người dân phản đối không đồng tình thực hiện dự án, nên đến nay chưa thể di dời những khu vực dân cư ở vùng triều cường, nguy hiểm ở Mỹ Thắng. |
Trong ngày 9-12, chính quyền đang giăng dây, lập biển báo khu vực sạt lở nguy hiểm dọc bãi biển sạt lở thôn 9, xã Mỹ Thắng
Biển vẫn đang động dữ dội, khiến nhiều người dân vô cùng lo sợ đêm đến, triều cường dâng cao, tàn phá nhà cửa của họ
Đêm khuya 8-12, địa phương ghi nhận sóng biển tiếp tục tàn phá nhiều diện tích đất liền, uy hiếp gần khu vực nhà dân
Bức tường bê tông của khu nhà sản xuất, thu mua hải sản của người dân bị sóng đánh gãy, sắp trôi xuống biển
Theo quan sát, có 7 ngôi nhà (với khoảng 30 người dân sinh sống ở đó) nguy cơ cao bị sóng biển tàn phá. Trong đó, nhiều nhà dân được xây dựng kiên cố, giá trị tài sản rất lớn.
Gia đình ông Nguyễn Văn Nhi (62 tuổi) có khu đất, nhà ở sát bờ biển đang nơm nớp lo lắng trước sức tàn phá khủng khiếp của sóng biển. "Mấy đêm nay, vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ lo nhà, đất đai bị cuốn trôi ra biển. Có đêm, nghe sóng biển ầm ầm phá bờ, cả nhà lại dắt nhau tháo chạy. Khổ lắm! Mong chính quyền, nhà nước sớm có giải pháp để giúp chúng tôi cứu lấy nhà cửa, đất đai, chứ mất hết là không biết ở đâu bây giờ".
Theo người dân địa phương, vào khoảng 19 đến 20 giờ đêm, triều cường, sóng biển bắt đầu dâng cao, tiến sát vào bờ, đổ xô, tàn phá đất liền
Người dân ở ngôi nhà sát biển đóng kín cửa để di dời đến nơi an toàn
Nhiều nhà dân được xây dựng khang trang, tài sản lớn nhưng đối diện với nguy cơ bị sóng cuốn trôi
Bà Nguyễn Thị Sim (70 tuổi) cùng chồng 74 tuổi đang sống trong ngôi nhà sát biển. Mỗi khi ra trước biển thì thấy sóng phá bờ là chân tay bà Sim bủn rủn, lo lắng đất đai, nhà cửa, làng mạc bị cuốn trôi. "Vợ chồng tôi già rồi, cứ nửa đêm gà gáy nghe sóng biển phá bờ thì sợ lắm, nên nhờ hàng xóm đến đưa đi tránh trú. Mấy hôm nay, lãnh đạo trên huyện, tỉnh về thăm hỏi, động viên, khiến chúng tôi cũng ấm bụng", bà Sim kể.
Theo người dân, trước kia, chưa từng xảy ra tình trạng biển phá bờ hung hãn như năm nay. "Mọi năm, cứ mùa mưa lũ thì sóng tiến sát vào bờ nhưng không tàn phá mạnh như năm nay. Năm nay là bất thường và khủng khiếp nhất!", một người dân thôn 9 lo lắng kể.
Ngôi nhà đã bị sóng đánh gãy bức tường bê tông
Nhiều khối bê tông, bức tường nhà dân, công trình bị sóng đánh sạt ra sát bãi biển
Theo quan sát của PV Báo SGGP, ước tính có gần 400m bờ biển bị cuốn sạt, sâu từ 40 - 60m
Đêm trước đó, chính quyền đã sơ tán khẩn cấp 7 hộ dân vùng nguy hiểm, còn hàng chục hộ dân đang trong vùng cảnh báo nguy cơ cao
Người đàn ông ở thôn 9 dù có nhà sâu trong làng nhưng rất hoang mang trước tình trạng sạt lở bờ biển
UBND huyện Phù Mỹ đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Định, các sở - ban - ngành có giải pháp để bảo vệ an toàn cho người dân ven biển Mỹ Thắng, đầu tư kè biển để bảo vệ đất liền và bờ biển nơi này