Một thời nhộn nhịp
Anh Nguyễn Văn Ba (46 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) nhớ rõ những ngày tháng sôi động trước đây: “Tôi chơi chứng khoán từ năm 2004. Sàn giao dịch bố trí nhiều lễ tân, người chơi phải chờ đặt lệnh mua bán cổ phiếu bằng giấy, rồi chen chúc nhau khi có những phiên đấu giá. Điền xong hồi hộp lắm, biết mã cổ phiếu mình chọn có trúng không, có khi mỗi cái chỉ hơn nhau 500 đồng”.
Mải canh bảng điện tử hiển thị thông tin cổ phiếu bên kia đường, anh kể, nhiều lúc bản thân cũng như nhiều nhân viên công sở khác quên cả bấm thang máy, hoặc nhìn thấy nhiều người buồn thiu cúi mặt đi vì màu xanh (cổ phiếu tăng điểm) đã thành đỏ (giảm điểm).
Năm 2000, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TPHCM ra đời - nay là Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM ở đường Võ Văn Kiệt - và có phiên giao dịch đầu tiên. Các công ty chứng khoán bắt đầu đổ về khu phố tài chính trên trục đường này. Phố tài chính ngày đó là sự nhộn nhịp của đoạn đường Nguyễn Công Trứ, từ ngã tư Tôn Thất Đạm - có trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - đến đoạn giao đường Phó Đức Chính.
Không náo nhiệt bằng phố Wall ở Mỹ nhưng không khí sôi động là có thật. Mưu sinh tại khu này ngót 30 năm, ông Nguyễn Văn Hiệp (55 tuổi, ngụ quận 6) kể, thời điểm đó ông đánh giày rất đắt hàng. “Vàng mấy trăm ngàn một chỉ nên tôi còn dành được tiền sắm vàng, có tháng sắm 5 phân, tháng sắm một chỉ. Dành dụm tới năm 40 tuổi, tôi được 7 cây, mượn thêm cha mẹ rồi sang sạp ở chợ Phú Lâm cho vợ bán hoa vải”, ông nhớ lại.
Trước năm 2000, theo một số người sống ở đây, mặt tiền đường Nguyễn Công Trứ còn có những cơ sở bán đồ cơ khí, bảo hộ lao động nối dài từ chợ Dân Sinh. Rồi khi có các sàn giao dịch, những cửa tiệm này dần lùi về phía dưới ngã tư. Không chỉ chứng khoán, các ngân hàng cũng xôm tụ không kém.
Ngoài chơi cổ phiếu, nhiều người còn đầu tư cả tài khoản mua bán vàng. Anh Hoàng Minh Khôi (48 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) kể, có khi anh chơi vàng lời trăm triệu nhưng cũng có thời điểm mất cả tỷ đồng.
Những năm chứng khoán “lên hương”, mặt bằng trên đường Nguyễn Công Trứ và những con đường xương cá gần đó như đường: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thái Bình, Pasteur, Hàm Nghi… trở nên đắt đỏ. Giới chứng khoán truyền tai rằng để xây trụ sở, có doanh nghiệp nài nỉ mua nốt căn hộ cuối cùng trong khu tập thể đường Tôn Thất Đạm với giá 200 cây vàng - số tiền lúc ấy có thể mua được 2 - 3 căn nhà khu này.
Và những phận người
Những ngày chưa giãn cách xã hội, nếu muốn cảm nhận nhịp sống phố tài chính, bạn nên đến vào thời điểm sáng sớm tới trưa. Buổi sáng, người người kéo về các cao ốc làm việc. Nhiều người ghé vào quán ven đường gọi ly cà phê, tán gẫu.
Người không làm ở khu này cũng hẹn đối tác, bạn bè ngắm phố ở những quán như Katinat, cà phê Hào, hoặc ngồi lề đường uống cà phê của anh Bình “tóc dài”. Có người ghé mua báo ở sạp báo cuối cùng của phố tài chính bên hông một ngân hàng. Sau 18 giờ, khu này trở nên im lìm, chỉ còn những người bảo vệ, khách vãng lai.
Phố tài chính không hào nhoáng như vẻ bề ngoài. Tới lui lâu ngày, người ta dễ nhận thấy những người buôn bán theo kiểu xe đẩy, cơm trưa lề đường, cóc ổi gọt sẵn, cà phê máy lạnh lẫn không lạnh… dễ sống hơn là kinh doanh nhà hàng, dịch vụ cao cấp. Một phần do không phải gánh nhiều chi phí, lại phù hợp nhu cầu dân văn phòng nơi đây.
Làm nhân viên kinh doanh của một công ty ở phố tài chính 5 năm nay, chị Kim Thu (30 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho biết, chị và nhiều đồng nghiệp vẫn chuộng những quán bình dân, với bữa ăn chỉ từ 40.000 đồng. Buổi trưa, từng tốp rảo bộ trên đường, vào hẻm 100, 158 Nguyễn Công Trứ, có người ngồi ăn ngay trên hè phố nóng như rang. Xế chiều cũng từng tốp đi ăn nhẹ gỏi cuốn, trứng vịt lộn, làm cữ cà phê… Dĩ nhiên đó là những ngày chưa giãn cách vì dịch.
Một nét lạ phố tài chính vẫn còn giữ đến nay là những người đánh giày. Dù giày tốt hay dỏm, khi bước đi trên phố hoặc ngồi cà phê bạn sẽ được mời “Đánh giày đi chị”, “Sếp ơi đánh giày không”…
Ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết, mỗi ngày ông kiếm được cỡ 200.000 đồng, chủ yếu là mối quen, 12 giờ ông bắt xe buýt về vì “giờ già rồi hay nhức đầu, mỏi cẳng”. Còn anh Văn Hải (39 tuổi, quê Thanh Hóa) đánh giày ở đây gần 15 năm, tiền công 20.000 đồng/đôi. Anh nói: “Khu này họ lịch sự. Tôi làm từ 7 giờ tới 2 - 3 giờ chiều, hôm nào mệt thì nghỉ. Mỗi ngày được khoảng 30 đôi”.
Không biết giấc mơ của những người đánh giày và người chơi chứng khoán ở khu phố tài chính có giống nhau không. Nhiều người giờ nhắc đến chứng khoán chỉ lắc đầu. Anh Văn Hải thì đang mơ về một mái ấm. Mỗi ngày từ căn phòng trọ ở quận 12 đi lên khu này, anh tếu táo mời khách và giao giày thật nhanh. Anh kể về mối tình không thành, miệng cứ nói “buồn!” và ngồi thừ nghĩ ngợi về số tuổi đang tăng của mình.
Còn anh Trần Kim Cường (32 tuổi, trọ quận 3) có vẻ nhàn tản hơn. Anh kể có người chị ở quận 7 mở quán lẩu. Anh nói: “Dịch bệnh mà đỡ đỡ chắc tôi ngưng đánh giày, về phụ bán quán hoặc về quê cưới vợ. Tôi có người yêu gần nhà ngoài Thanh Hóa, bà già hứa bán đất cho tôi làm đám cưới”.
Có lẽ vì vậy, bộ dạng của anh cũng thư sinh hơn anh Hải. Chiều, anh thong thả gom bàn chải, xi đánh giày bỏ vô hộp nhựa, đặt xe ôm công nghệ đi về. Phía ngã tư, vẫn còn một người đánh giày vừa đi vừa ngó tìm khách.
Tuy vẫn còn các công ty như Bảo Việt, Agriseco, Đông Á… và ngân hàng quy tụ, nhưng không khí chứng khoán “a ma tơ” ở phố tài chính đã mất đi. Nhiều công ty tạm biệt mặt đất, dời lên các tòa nhà. Khu phố thập cẩm hơn với những văn phòng, cơ sở nha khoa, chăm sóc sắc đẹp, nhà hàng. Dù thay đổi, phố tài chính vẫn là nơi người ta có thể sống được. Nơi mỗi sáng các bà các cô dọn hàng ăn uống, các anh các chị áo quần thanh lịch vào sở làm, ngân hàng giao dịch đông vui, và người đánh giày, bán vé số… cũng kiếm được ít tiền. Ở đó có sự chia phần tự nhiên của cuộc sống, có nét hồn cốt của thành phố. |