“Lại chuẩn bị đồ nghề để ra sông, hở chú?”, tôi hỏi. Chú Thọ (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) đang vá lại tấm lưới, cười nhẹ hều: “Chỉ mong hôm nay đủ ăn là mừng rồi.”
Đã nhiều năm liền, hoạt động câu, lưới của người dân miền Tây không còn náo nhiệt như xưa. Biết nói làm sao, khi nước chẳng nhảy khỏi bờ, cá tôm từ thượng nguồn không theo dòng mà về được. Người dân đành mong ngóng mùa nước nổi về trong sự mòn mỏi.
Chú Thọ có hơn 30 năm làm nghề câu, lưới trên dòng sông Tiền. Chú được xem là bậc thầy am hiểu dòng sông và có kinh nghiệm bắt cá nhất vùng. Chú biết từng loại mồi dành riêng cho từng loại cá nhất định, chỗ xoáy nước nào thì có cá gì để dùng công cụ bắt phù hợp. Chú cũng là người chứng kiến tất cả những biến thiên trên dòng sông - nơi chú và nhiều ngư dân khác tìm kế mưu sinh, từ khi bắt đầu vào nghề đến nay.
Ngày trước, nơi đầu nguồn sông Tiền, là 2 mé bờ thị xã Tân Châu và thị xã Hồng Ngự, hầu như lúc nào cũng tấp nập xuồng ghe bắt cá. Sôi nổi nhất vẫn là vào mùa nước nổi, khi cá linh từ phía thượng nguồn đổ về, hoạt động câu lưới không chỉ diễn ra ban ngày mà dòng sông còn lung linh ánh đèn ghe xuồng bắt cá vào cả ban đêm.
Những đoàn người cùng nhau hì hục kéo lưới đổ từng mẻ cá linh lên ghe để kịp chở vào bờ cho những người mua về làm mắm, nấu nước mắm. Hay cũng có khi vừa bắt được con vồ đém, con bông lau… thì người ta rao bán ngay trên ghe. Nhờ vậy mà cả khúc sông dường như lúc nào cũng lao xao, nhộn nhịp.
“Chỉ cần mỗi lần đem chài ra quăng là dính cá từ mí chì lên đến tận chóp lưới, gỡ không kịp tay. Mà mỗi lần dỡ chà bắt cá, ta nói nó cũng vui như ngày hội”, chú Thọ hào hứng kể. Chú Thọ nói tiếp: “Nhưng mà đó là hồi trước, hồi xa lắc xa lơ rồi, bây giờ trên sông đâu còn được mấy con cá nữa.”
Anh Quý (35 tuổi), một ngư dân bên bờ lở Tân Châu, cũng kể vui: “Có hôm đặt dớn trúng mẻ cá tra, cá lóc bự. Biết ngay không phải cá sông, mà là mấy con cá từ trong những bè nuôi sổng ra ngoài, chứ giờ khó mà bắt được mấy con cá bự như vậy lắm”.
Vài năm trước, vì không thể chịu nổi với cuộc sống cầm chừng, nhiều ngư dân đã quyết định bán hết ghe, xuồng để dắt díu gia đình lên Bình Dương tìm công việc mới. Chú Thọ, anh Quý cũng từng khăn gói lên TPHCM tìm kế mưu sinh. Nhưng chẳng được bao lâu, họ về lại với nghề, với dòng sông… Như một điều gì không rõ, luôn gắn kết họ với cái nghề hạ bạc này.
“Bữa nào hên thì vớt được mấy con cá bông lau, chú xách xuống tới chợ thị trấn bán cho được giá. Bữa nào xui xui thì cũng đủ cho 2 bữa cơm. Bây giờ không bắt cá làm giàu được như trước nữa, chứ đói thì không đói bao giờ”, chú Thọ lạc quan kể.
Rồi cứ đều đặn mỗi ngày hai buổi, họ phăng chiếc xuồng máy đuôi tôm ra sông, thăm mấy tay lưới, mấy cái dớn đặt sẵn trước đó rồi trở về với những thành quả nho nhỏ. Nghề “bà cậu” với họ không chỉ đơn giản là cái nghề, mà dường như còn là cái nghiệp. Dòng sông với họ, không chỉ chốn mưu sinh mà còn là nơi gắn bó nghĩa tình.