Một trường có thể mua dữ liệu của cả chục sở và một sở có thể bán dữ liệu cho hàng chục trường. Thậm chí có trường mua được dữ liệu lại đem đi bán cho các trường khác để kiếm tiền.
Chi cả 100 triệu đồng để gom dữ liệu
Cán bộ tuyển sinh một trường ĐH tư thục kể: “Thực tế việc mua - bán dữ liệu của thí sinh để phục vụ cho công tác tuyển sinh là có từ trước đến nay nhưng vấn đề là phải có mối quan hệ và tiền. Với cán bộ ở những sở GD-ĐT nào thân thì họ “cho” mình dữ liệu, nhưng cũng không thể lấy không mà phải mời họ đi ăn nhậu. Còn những sở khác thì phải mua. Thường thì tùy vào số lượng thí sinh của mỗi sở GD-ĐT mà số tiền cũng khác. Có sở lấy vài triệu đồng, có sở 5 triệu đồng và sở nào số lượng thí sinh nhiều thì lấy 10 triệu đồng!”.
Với một số trường tư ở tỉnh, việc đi gom dữ liệu của thí sinh về để khai thác là tất yếu. Hàng năm trường phải chi cả 100 triệu đồng cho việc mua dữ liệu từ các sở GD-ĐT. Tuy nhiên, các trường mua cũng có chọn lọc chứ không phải địa phương nào cũng mua. Chẳng hạn như trường phải làm thống kê xem sinh viên đang học tại trường đến từ những tỉnh, thành nào nhiều rồi lên danh sách chi tiền để mua.
Đáp ứng nhu cầu của các trường, dữ liệu được bán ra với các dạng: dạng đầy đủ từ đăng ký thi THPT quốc gia đến xét tốt nghiệp, xét vào các trường đại học hoặc chỉ đưa thông tin đăng ký thi THPT quốc gia hoặc chỉ thông tin đăng ký nguyện vọng. Tuy nhiên dù ở dạng nào thì cũng có cái mà các trường cần đó là: họ tên thí sinh, email, Facebook, điện thoại liên lạc, địa chỉ.
Vậy các trường khai thác dữ liệu đã mua bằng cách nào? Trước hết, phải phân loại ra từng nhóm ngành nghề để các trường liên hệ tư vấn trực tiếp cho các em theo đúng “bài”. Thứ hai, khi có điểm sẽ phân loại những thí sinh có mức điểm sàng sàng để gọi hỏi thăm và xác định nhu cầu. Bước cuối cùng là gửi giấy báo mời nhập học.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết: Thực tế ở khối trường công, việc mua bán dữ liệu thí sinh cũng có nhưng không quyết liệt như các trường tư thục vì ngoài sức hút vốn có của trường công lập thì kinh phí cũng quyết định tất cả.
Để tiếp xúc được dữ liệu của các sở thì phải có mối thân quen và phải biết cách duy trì quan hệ. Nếu không quen thì mua rất khó. Thậm chí nếu không mua được từ sở thì lấy dữ liệu từ các trường THPT nhưng với điều kiện phải “qua lại” với ông hiệu trưởng hoặc ban giám hiệu.
“Hiện nay có nhiều cách để lấy thông tin của thí sinh, chẳng hạn như khi đi tư vấn tuyển sinh, trường ĐH có gửi kèm các phiếu khảo sát thông tin, cuối buổi tư vấn thu lại các phiếu khảo sát để sau nay liên hệ với thí sinh. Thứ hai là ứng dụng triệt để mạng xã hội, đầu tư xây dựng hệ thống chatbot...”, Th.S Phạm Thái Sơn chia sẻ.
Biết sai nhưng vẫn làm
Một cán bộ tuyển sinh của một trường tư thục tại TPHCM cho biết: “Mỗi trường tư có một cơ chế khoán cho bộ phận tuyển sinh. Như trường em tập đoàn chi cả tỷ đồng để làm tuyển sinh nhưng với điều kiện phải đạt. Với cơ chế này thì người làm tuyển sinh xác định bằng mọi giá phải thành công, thành công là có tất cả, thất bại là mất tất cả. Chính vì vậy, tụi em phải bằng mọi giá có được dữ liệu của thí sinh”.
Nguyên phó hiệu trưởng phụ trách tuyển sinh một trường ĐH tư thục tại Đồng Nai chia sẻ: “Thời còn thi “3 chung”, do trường không tổ chức thi nên chúng tôi phải vào TPHCM mua dữ liệu của thí sinh từ các trường ĐH có tổ chức thi. Có trường thân thì họ cho không, có trường thì chúng tôi phải chi cả chục triệu đồng để mua.
Tuy nhiên, thời đó chúng tôi chỉ lấy điểm từ điểm sàn trở xuống. Sau khi có dữ liệu, chúng tôi gọi điện, in giấy báo gửi đến tận nhà thí sinh để mời nhập học. Bởi vậy mới có chuyện không đăng ký vào trường nhưng thí sinh vẫn nhận được giấy báo trúng tuyển. Việc mua bán này chúng tôi biết là không đúng, nhưng tình thế tuyển sinh buộc phải làm vậy”.
Từng đi theo nhiều hoạt động của nhóm tuyển sinh một trường ĐH tư thục lớn tại TPHCM, chúng tôi được biết, ngoài việc đi tư vấn, bộ phận tuyển sinh còn phải tổ chức nhiều ngày hội để thí sinh đến trường tham quan, tổ chức hoạt động vui chơi, tư vấn cả ngày. Nhưng khâu không thể thiếu đó là phát phiếu khảo sát để lấy thông tin của thí sinh nhằm phục vụ cho công tác tuyển sinh.
Bên cạnh đó, những tỉnh xa mà có nhiều sinh viên đang học tại trường thì bắt buộc phải mua dữ liệu cho bằng được. Việc mua bán này, trường tư nào cũng có nhưng phải đúng thỏa thuận là không được để lộ thông tin vì đây là việc làm… không cho phép.
Tuy biết là sai nhưng nếu không làm thì tuyển sinh sẽ không đạt chỉ tiêu. Mà trường tư, nếu không tuyển được thì sẽ ảnh hưởng đến “nồi cơm” của toàn trường và quan trọng là kỷ luật, chuyển sang bộ phận khác vì không hoàn thành công việc.
Nguyên phó hiệu trưởng một trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM thông tin: “Với những trường ĐH uy tín, có số lượng thí sinh đăng ký nhiều thì hoàn toàn không có chuyện mua dữ liệu thí sinh vì nguồn tuyển quá nhiều.
Tuy nhiên, những trường ít thí sinh đăng ký, những trường tốp dưới, đặc biệt là khối trường tư thục thì chuyện mua bán dữ liệu của thí sinh cứ đến hẹn lại lên. Có cung ắt sẽ có cầu nhưng vấn đề đem dữ liệu, thông tin cá nhân của thí sinh mua bán tràn lan như hiện nay là khó thể chấp nhận được”.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT: Lợi dụng dữ liệu không đúng mục đích là vi phạm pháp luậtDữ liệu thi THPT quốc gia được dùng để tổ chức thi THPT quốc gia, xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Việc quản lý và sử dụng dữ liệu này đã được phân cấp, phân quyền chặt chẽ theo phạm vi sử dụng, mục đích sử dụng, đối tượng sử dụng. Sở GD-ĐT là một đơn vị quản lý và sử dụng dữ liệu thi THPT quốc gia, mỗi sở được cấp tài khoản để sử dụng Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia và chỉ quản lý, sử dụng dữ liệu thi THPT quốc gia của các thí sinh đăng ký dự thi của sở. Sở này không quản lý và không sử dụng được dữ liệu thi THPT quốc gia của sở khác. Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm toàn bộ về tính chính xác, bảo mật dữ liệu thi THPT quốc gia của địa phương mình. Mỗi trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh cũng được cấp tài khoản để sử dụng Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia, trường cũng chỉ được truy cập vào hệ thống sau khi kết quả thi đã được công bố để sử dụng dữ liệu của các thí sinh có đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường mình và không thể sử dụng dữ liệu của thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường khác. Như vậy, việc cung cấp dữ liệu thi THPT quốc gia là miễn phí nhưng phải được cung cấp đúng đối tượng và đúng mục đích sử dụng. Việc lợi dụng dữ liệu này không đúng mục đích là vi phạm và sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật về dân sự, về hành chính và về hình sự. Th.S HỨA MINH TUẤN, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM: Không thể chấp nhận vì vi phạm thông tin cá nhân Trước đây khi thi “3 chung” do các trường ĐH tổ chức thì các trường ĐH không tổ chức thi (chủ yếu các trường ĐH mới thành lập, các trường ĐH, CĐ tư thục) phải xin hoặc mua dữ liệu tuyển sinh từ các trường ĐH có số lượng thí sinh đăng ký nhiều. Nhưng hiện nay, các trường rất dễ dàng lấy toàn bộ dữ liệu của thí sinh từ các sở GD-ĐT thông qua việc mua - bán. Việc này không thể chấp nhận được vì vi phạm đến thông tin cá nhân của thí sinh. Ông NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, nguyên chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT: Ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh Trước đây khi còn phụ trách thu nhận hồ sơ của thí sinh tự do (từ năm 2002 đến 2014), tôi cũng giúp các trường về dữ liệu nhưng sau khi có điểm thi từ các trường ĐH có tổ chức thi. Sau đó, tôi phải lọc dưới mức điểm sàn hoặc dưới mức điểm xét tuyển của các trường để chia sẻ với các trường khác. Thế nhưng từ khi thi THPT quốc gia (từ năm 2015 đến nay) khi các em chưa thi mà các trường đại học đã có hết thông tin cá nhân của thí sinh. Đây là việc làm vi phạm đến bí mật thông tin cá nhân của thí sinh. Việc các trường giành giật gọi điện, tư vấn, mời nhập học đã khiến cho tình hình thêm xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh. Từ đó, ảnh hưởng đến định hướng ngành nghề mà các em đã được tư vấn trước đó. |