Tuy nhiên, tại nhiều địa phương khu vực miền Trung do vẫn còn lúng túng trong việc thực thi các giải pháp, quy chế phối hợp vùng xung yếu giáp ranh nên cát tặc ngày càng biến tướng, lợi dụng các lỗ hổng để lách luật.
Theo báo cáo của Phòng TN-MT huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), hiện nay trên địa bàn huyện có 5 đơn vị được cấp phép khai thác cát trên sông Lam. Trong đó, Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành là đơn vị được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác với tổng diện tích mỏ là 37,2ha, trữ lượng gần 1,7 triệu m3 cát trên địa bàn 4 xã Nam Thượng, Nam Tân, Nam Lộc và Khánh Sơn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, trong tổng diện tích này có 12ha tại địa bàn xã Khánh Sơn, nhưng là khu vực giáp ranh với xã Xuân Lâm (địa phương không nằm trong danh mục cấp phép khai thác cát). Ghi nhận thực địa, diện tích khu vực mỏ này chưa được cắm mốc rõ ràng nên rất mập mờ về ranh giới, khu vực được phép khai thác. Vì thế, các thuyền không tiến hành khai thác phía xã Khánh Sơn mà gần như chỉ khai thác phía khu vực xóm 3 (xã Xuân Lâm), gây sạt lở nhiều ruộng đồng khiến người dân rất bức xúc.
Về việc này, ông Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng TN-MT huyện Nam Đàn, cho biết: “Tình trạng khai thác cát trái phép, đặc biệt là khai thác vào ban đêm và rạng sáng thật sự rất khó kiểm soát. Nếu đi truy quét khai thác cát những thời điểm đó mà không có lực lượng công an hỗ trợ thì ngay bản thân tôi cũng không dám đi vì rất nguy hiểm. Nhiều đối tượng khai thác cát là dân nghiện ngập manh động”.
Theo cơ quan chức năng ở huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), các đối tượng khai thác cát ở vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An rất liều lĩnh, dám ngang nhiên thách thức cơ quan chức năng. Khi lực lượng chức năng Hà Tĩnh triển khai truy quét, đối tượng điều khiển phương tiện bỏ chạy về phía Nghệ An, ngược lại khi phát hiện lực lượng chức năng Nghệ An, cát tặc lại “nhảy cóc” qua Hà Tĩnh. Dư luận nghi ngờ một số đối tượng khai thác cát trái phép đã làm luật với một số doanh nghiệp để hợp thức hóa các hóa đơn, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra chúng sẽ sử dụng hóa đơn này để xuất trình, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong xử lý hành vi khai thác cát trái phép.
Hơn nữa, do nhu cầu xây dựng công trình dân sinh ngày càng bức thiết, việc quản lý khai thác cát khó khăn nên một số địa phương cấp cơ sở đã buông lỏng quản lý, để doanh nghiệp khai thác cát trái phép. Như trường hợp UBND xã Mỹ Tài (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) vừa cho một doanh nghiệp mở đường khai thác cát ở sông La Tinh để làm đường nông thôn mới cho thôn Kiên Phú (xã Mỹ Tài). Hay việc UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho 4 doanh nghiệp khai thác cát dưới lòng Lại Giang, đoạn chảy qua địa bàn xã Hoài Đức từ năm 2015 đến nay (hiện đã bị buộc dừng khai thác). Ngay tại thôn Hương Đồng (xã Lộc Yên, huyện Hương Khê), doanh nghiệp cũng tự ý khai thác cát dưới lòng sông Ngàn Sâu để thi công công trình tuyến đường bê tông giao thông nông thôn của thôn (đường 600m).
Lách luật
Ngoài tự ý khai thác cát trái phép, nhiều doanh nghiệp lợi dụng dự án đầu tư xây dựng các công trình dân sinh để trục lợi. Ngay cả các doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác mỏ cũng tìm cơ hội để “lách luật” khai thác cát trái phép. Đơn cử như trường hợp tại sông Trà Khúc, dù đã bị UBND tỉnh Quảng Ngãi thu hồi giấy phép khai thác cát trên sông Trà Khúc (mỏ cát Nam Phước, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa) từ ngày 6-5-2020, nhưng những ngày sau đó, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Quang Đất Việt (gọi tắt là Quang Đất Việt) vẫn huy động gần 40 phương tiện rầm rộ ra giữa bãi sông Trà Khúc để khai thác cát kiểu “đánh cú chót”.
Ngay khi có tin báo của người dân, Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi đã huy động các thanh tra bí mật đột nhập công trường khai thác cát của Quang Đất Việt và bắt quả tang, lập biên bản vi phạm đối với doanh nghiệp này. Tuy nhiên, doanh nghiệp này bào chữa, do chưa nhận được quyết định thu hồi giấy phép khai thác nên không biết. Không chỉ vậy, trong thời gian thuê đất lập mỏ khai thác cát (từ tháng 7-2018 đến nay), Quang Đất Việt đã không thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, khai thác ngoài diện tích cho phép.
Còn theo ông H.T., một lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn Bình Định, tại nhiều dự án đầu tư công trình dân sinh, đê kè cửa sông biển, nạo vét luồng lạch, chỉnh trang dòng chảy, các doanh nghiệp đều lợi dụng khai thác cát rồi bán ra ngoài trục lợi. Công tác đấu giá mỏ cát mang tiếng là công khai, nhưng thực ra đều được “chỉ định” trước bằng nhiều hình thức trá hình để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thực hiện đúng theo nguyên tắc đấu giá công khai, đúng quy định.
Cần vào cuộc đồng bộ
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Võ Quang, Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, thừa nhận, tình trạng khai thác cát ở sông Trà Khúc đang diễn ra dai dẳng, nóng bỏng trong những năm qua. Tuy nhiên, khi có sự phản ánh, bức xúc của dư luận, UBND TP Quảng Ngãi đã đẩy mạnh quản lý, quyết liệt trấn áp cát tặc trên sông Trà Khúc. Về nghi vấn có hay không việc bao che, bảo kê để doanh nghiệp và các đối tượng lộng hành, ông Quang khẳng định, không có chuyện bảo kê. “Bây giờ, khó khăn nhất mà chúng tôi gặp phải là cát tặc hoạt động vào ban đêm, từ 2 - 3 giờ sáng. Lực lượng chúng tôi thì quá mỏng, vừa chống dịch Covid-19, vừa quản lý xử lý nên xảy ra trường hợp này trường hợp khác…”, ông Quang nói.
Ngoài ra, ông Quang nhìn nhận, áp lực về sinh kế và chuyển đổi nghề cho các hộ dân trước nay hành nghề khai thác cát theo tổ đội vẫn đang là bài toán mà địa phương chưa thể tháo gỡ. Ngoài ra, hoạt động khai thác cát manh mún nhỏ lẻ dọc bãi sông cũng đang gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý. Nhiều mỏ cát phục vụ công trình thuộc vốn ngân sách nhà nước và các dự án trên sông Trà Khúc nhưng không có biển báo thông tin giấy phép, có tình trạng bán cát thương mại, tuồn cát ra ngoài…
Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi Đỗ Minh Hải cho biết, riêng khu vực khai thác cát tại bờ Bắc sông Trà Khúc (đoạn giáp ranh giữa TP Quảng Ngãi và huyện Sơn Tịnh), bây giờ không thể cấp phép cho doanh nghiệp vì không đúng luật, ngược lại sẽ tạo cơ hội cho nhiều đối tượng khác trà trộn lập mỏ buôn bán cát. Trước mắt, chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi việc làm để người dân từng bước từ bỏ nghề khai thác cát.
Về vấn đề quản lý khai thác cát ở vùng giáp ranh sông La Tinh, ông Trương Bá Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản (Sở TN-MT tỉnh Bình Định) cho biết, việc để xảy ra khai thác cát trái phép ở đây thuộc trách nhiệm của chính quyền các địa phương. Sở TN-MT sẽ phối hợp với Cảnh sát Môi trường, địa phương mới có thể thực hiện các cuộc trinh sát, phát hiện và xử lý các đối tượng. Sở TN-MT tỉnh Bình Định vừa tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Phù Mỹ chủ trì phối hợp với UBND huyện Phù Cát xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chung, quy chế phối hợp quản lý đặc thù ở vùng giáp ranh, không đùn đẩy trách nhiệm.
“Riêng tình trạng khai thác cát trái phép ở thôn Bình Long (xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) địa phương vừa phối hợp với Sở TN-MT tiến hành kiểm tra. Hiện, chúng tôi vẫn đang phối hợp với UBND huyện Phù Cát để xử lý sau khi có phản ánh và kết quả kiểm tra thực trạng của Sở TN-MT”, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ nói.