Đi qua những dòng sông lớn dọc dải miền Trung như sông Cái (tỉnh Phú Yên), sông La Tinh (Bình Định), sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), sông Bồ (Thừa Thiên - Huế), sông Long Đại (Quảng Bình), sông Lam (Nghệ An), sông Chu (Thanh Hóa), sông La và sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) vào mùa khô năm 2020 không khỏi chạnh lòng trước hệ lụy khôn lường của nạn khai thác cát.
Ngủ ngày cày đêm
Để tìm hiểu về thực trạng khai thác cát trên sông Lam, chúng tôi được ông P., một thổ công ở huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), hướng dẫn khá tỉ mỉ các đường đi lối mở của cát tặc. Ông P. cho biết, các địa điểm như bến thuyền xóm Mỹ Thanh (xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên) luôn thường trực từ 7-10 sà lan cỡ bự ngày nằm bờ, đợi đêm xuống mới “lủi” ra các bãi sông hút cát. Tại khu vực xã Nam Trung (huyện Nam Đàn), xóm 16 (xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên) cứ tầm 16-18 giờ hàng ngày, hàng chục tàu thuyền, sà lan lớn nhỏ vào nằm bờ đợi đến đêm để hành nghề. Ngoài ra, các điểm tại xã Xuân Lâm, Hồng Long, một số điểm từ cầu Nam Đàn lên hướng xã Nam Thượng (huyện Nam Đàn) luôn có các thuyền, sà lan chực chờ để hút cát.
Hiện tại, đang mùa nắng nóng đỉnh điểm và cũng nhằm tránh sự truy bắt của cơ quan chức năng nên đa phần các tàu thuyền, sà lan khai thác cát theo kiểu “ngủ ngày, cày đêm”. Theo chỉ dẫn của một số người dân địa phương, chúng tôi quyết định nằm phục một đêm tại bãi sông Lam (đoạn 2 xã Khánh Sơn và Xuân Lâm, huyện Nam Đàn) để ghi nhận cảnh cát tặc “ăn đêm”. Khoảng 2 giờ đến 5 giờ, cát tặc huy động ghe tàu, máy móc hoạt động rầm rộ giữa bãi sông. Không có tiếng người, chỉ nghe tiếng máy nổ bơm hút cát từ lòng sông. Hàng chục lượt tàu thuyền các loại ra giữa bãi sông chừng mươi phút thì chất đầy cát chở về các bãi tập kết phía hạ nguồn sông thuộc huyện Hưng Nguyên, TP Vinh (Nghệ An) và huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh).
Ông Nguyễn Văn T., một người dân ở xóm 3 (xã Xuân Lâm), rỉ tai: “Các thuyền khai thác cát lớn nhỏ thường xuất phát từ 3 bến cát đóng trên địa bàn xã Xuân Lâm, giáp với xã Hưng Lĩnh (huyện Hưng Nguyên) ngày nào cũng lên sát bãi bồi xóm 3, xã Xuân Lâm để khai thác cát. Mỗi ngày có ít nhất từ 6-8 lượt thuyền hút cát…”.
Tương tự, tại Hà Tĩnh, các tuyến sông Lam, sông La, sông Ngàn Sâu… luôn là điểm nóng về hoạt động khai thác cát trái phép. Liên tục trong những tháng đầu mùa khô, lực lượng chức năng thực hiện hàng loạt vụ truy quét, bắt giữ nhiều đối tượng cùng phương tiện khai thác cát lậu. Điển hình như vụ bắt 6 sà lan (có 2 sà lan không biển số) ở sông Lam vào lúc 2 giờ sáng 8-5; vụ bắt sà lan trọng tải 100 tấn chở 42m3 cát trái phép trên sông Ngàn Sâu vào 23 giờ đêm 17-4. Tại Hà Tĩnh, cát tặc cũng thường lợi dụng đêm khuya, rạng sáng hoặc khu vực giáp ranh giữa Hà Tĩnh, Nghệ An để khai thác cát trái phép.
Tại cồn Nổi nằm giữa sông Bồ xưa, nay là nơi người dân Thanh Lương 2, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) chuyên trồng rau màu, nhưng một năm trở lại đây, nhiều sà lan, thuyền nhỏ từ khắp nơi đến khu vực này hút cát trộm vào ban đêm khiến cồn Nổi bị sạt lở nghiêm trọng. Để giữ đất, giữ nhà, hàng chục người dân nơi đây thay phiên nhau túc trực cả ngày lẫn đêm đuổi cát tặc. Dân làng mang cả tre nứa, gậy gộc, kẻng… cắt cử người canh trực 24/24 giờ để chống cát tặc. Trong đó, rạng sáng 9-4, người dân Thanh Lương 2 đã cùng nhau theo dõi, phát hiện 3 thuyền và một sà lan hút cát trộm ở khu vực cồn Nổi. Người dân ra xua đuổi, trong lúc giằng co đã nhấn chìm chiếc sà lan. Dân làng quyết bám chốt giữ sà lan chờ công an đến điều tra, xử lý.
Làng quê không yên bình
Sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi) giữa những ngày nắng nóng cuối tháng 5, đầu tháng 6 trơ cạn với những bãi bồi doi cát đến hàng chục hécta. Trước kia và bây giờ Trà Khúc vẫn là con sông nóng bỏng tình trạng khai thác cát trái phép. Thậm chí, hiện có nguyên một “lãnh địa” khai thác cát tồn tại lâu đời đang thách thức chính quyền và các lực lượng chức năng tại đây.
Trong các ngày 5 và 6-6, tại bờ Bắc sông Trà Khúc (đoạn giáp ranh giữa TP Quảng Ngãi và huyện Sơn Tịnh), phóng viên Báo SGGP ghi nhận hoạt động khai thác cát tấp nập dọc bến sông. Có hàng chục máy bơm hút cát loại nhỏ được đặt sẵn dưới lòng sông, ghe tàu đủ kích cỡ liên tục ra vào bến để chở cát hút đưa về bãi tập kết. Dọc tuyến đường Tế Hanh (TP Quảng Ngãi) kéo dài đến các thôn Trường Xuân, Thọ Lộc Tây (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) có khoảng 20 đường mòn, lối mở, bãi tập kết cát lớn nhỏ ven sông Trà Khúc. Việc khai thác cát ở đây công khai, diễn ra mọi thời điểm, với nhiều loại phương tiện tham gia, như: tàu thuyền, máy nổ, xe ben loại 2,5 tấn, máy đào, tời, cần cẩu... Theo người dân địa phương, ở đây chủ yếu là dân địa phương khai thác cát đã lâu đời. Tuy nhiên cũng có nhiều đối tượng trà trộn, lập “mỏ chui” buôn bán cát có quy mô rất lớn.
Đi dọc sông La Tinh (giáp ranh giữa 2 huyện Phù Cát - Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đến thôn Vinh Kiên (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát), hàng chục hộ dân ven sông cũng sống trong cảnh nơm nớp lo sạt lở mất đất đai, nhà cửa. Ông Hồ Văn Thanh (71 tuổi) và bà Châu Thị Lệ (58 tuổi), đều ở thôn Vinh Kiên, đưa chúng tôi đến các khu vườn bị lở lói mà mình đang canh tác. Bà Lệ chỉ vào vườn dừa rộng hàng trăm mét vuông đang bị hà bá gặm gần hết, nói như khóc: “Mới 3 năm nay mà khu vườn dừa của tôi bị sạt lở gần hết, tạo thành từng hầm hố rộng hàng chục mét vuông rất nguy hiểm. Trước đây, dân làng ra sông tắm bắt cá, nhưng giờ chẳng ai dám ra sông vì cát tặc đào hầm hố dưới sông rất sâu và nguy hiểm, đã có nhiều người dân và trẻ con chết đuối ở đoạn sông này. Bây giờ sạt lở tiếp tục tấn công vào đất vườn, mồ mả và nhà ở nên lo lắm!”.
Ông Tr.Đ.Th. (60 tuổi, thôn Vinh Kiên) cho biết, từ năm 2012 đến nay, sông La Tinh liên tục bị moi ruột, lòng sông ngày càng bị xói rất sâu xuống từ 6-8m. Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh Bình Định cấp phép cho doanh nghiệp khác khai thác cát ở đoạn sông này nên người dân rất bất bình. Ngoài ra, theo phản ánh của người dân địa phương, tại các bãi sông La Tinh chảy qua xã Mỹ Hiệp, Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ); Cát Hanh, Cát Tài (huyện Phù Cát) có rất nhiều điểm khai thác cát mới - cũ khiến cho đoạn sông này sạt lở nặng. Mỏ cát tập trung chủ yếu bên bờ Bắc huyện Phù Mỹ, song hệ lụy sạt lở lại nằm ở bờ phía Nam huyện Phù Cát, khiến người dân rất khổ sở. Đáng chú ý, tại thôn Bình Long (xã Mỹ Hiệp), những tháng qua cát tặc sử dụng xe công nông mở nguyên một con đường xuống sông La Tinh để khai thác cát cả ngày lẫn đêm rồi chở đi bán lại cho các xe ben lớn.
Ngược vào sông Cái (đoạn cầu Ngân Sơn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), một số người người dân ở thôn Long Mỹ (xã An Dân, huyện Tuy An) đưa chúng tôi đi xem bãi khai thác cát khủng của một doanh nghiệp nằm bên bờ sông. Bà Y., người dân thôn Long Mỹ, phản ánh: “Ở đây, có một doanh nghiệp khai thác cát “có tiếng”. Doanh nghiệp này đến sông và thâu tóm các đối tượng khai thác cát khác trên sông, cứ có cát là các tàu bè lại đổ về bến để bán. Việc khai thác cát quá mức khiến cho lòng sông rất sâu, cứ đến mưa lũ là sạt lở cuốn trôi ruộng đất, mồ mả, đường sá của người dân…”.
Làng đóng cầu tre chống cát tặc Ông Ngô Quang Thảo, Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), cho biết: Sạt lở 2 bên bờ sông Bồ đoạn qua địa phương và khu vực cồn Nổi (khu vực canh tác rau màu của người dân có diện tích 15ha, nay chỉ còn khoảng 3ha) do nạn khai thác cát trái phép gây ra. Sau nhiều lần đẩy đuổi, ngăn chặn cát tặc, chính quyền phường và người dân đã thống nhất trích kinh phí từ ngân sách và quỹ hoạt động của Hội đồng làng Thanh Lương và đóng góp của người dân để dựng lên cây cầu tre dài 50m, rộng 1,2m bắc ngang sông Bồ để chống, chặn các tàu khai thác cát trái phép. |