Sống lay lắt bên khu kinh tế

Người dân ở vùng đệm Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) đồng loạt phản ánh, suốt gần 16 năm qua họ phải sống lay lắt trong vùng quy hoạch “treo”. Sự thiếu nhất quán về chiến lược đầu tư, không giải quyết dứt điểm giải tỏa đền bù, không có chính sách bảo đảm sinh kế cho người dân của các cơ quan chức năng đã và đang đẩy cuộc sống người dân nơi đây vào khốn khó, bất an.

Mắc kẹt trên đất của mình

Vài năm trở lại đây, vùng dân cư sống dọc tuyến đường ĐT639, đoạn từ xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) đến các thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), Phú Hậu (xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) trở nên bất ổn bởi tình trạng lấn chiếm đất đai, phá rừng, khai thác cát trái phép, khiếu kiện khiếu nại vượt cấp, bất ổn về an ninh trật tự…

Đi dọc tuyến đường ĐT639, đoạn qua các thôn Hội Tân, Hội Thành (xã Nhơn Hội), đập vào mắt chúng tôi là những mái nhà cũ kỹ, hư hỏng, vườn tược hoang phế...

Sống lay lắt bên khu kinh tế ảnh 1 Những lớp nhà chịu “án treo” dọc tuyến đường ĐT639 vùng rìa KKT Nhơn Hội. Ảnh: NGỌC OAI
Ông Trần Anh Quang (66 tuổi, thôn Hội Tân) nói, đó là hệ quả của quy hoạch treo gần 16 năm từ KKT Nhơn Hội. Mười mấy năm qua, dân vùng này phải sống trong cảnh khó khăn đủ bề. Gần 3 thế hệ không dám xây cất một cái gì trên khu đất này, sổ đỏ cũng không được cấp, đem sổ nhà đất cũ đến ngân hàng thế chấp vay vốn làm ăn cũng không được vay… Nhiều hộ gia đình chịu không nổi đành bỏ nhà tha phương cầu thực.

Ông Phan Châu Thạnh (46 tuổi, thôn Hội Tân) bức xúc: “Nhà cửa, hồ tôm cũng bị treo, năm này qua năm khác. Giờ tâm lý người nuôi tôm rất thấp thỏm, không biết đi hay ở”.

Tương tự, ở thôn Nhơn Phước cũng có vài chục hộ dân mang “án treo”. Một trong số đó là bà Nguyễn Thị Tám (56 tuổi) nói như khóc: “Dự án hay phát triển kinh tế gì cũng phải hài hòa chứ! Gia đình tôi có 4 người con, giờ con cái đều dựng vợ gả chồng, muốn tách sổ chia cho con để xây cái nhà cũng không được. Cứ xây cái gì là chính quyền xuống bắt tháo dỡ, thậm chí cưỡng chế đòi đập…”.

Không những thế, 2 cánh đồng Tứ Niên và Gò Dê của gần 200 hộ dân ở thôn Huỳnh Giản Bắc có diện tích gần 20ha, trước đây người dân sử dụng để trồng lúa, mỗi năm 2 vụ. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, khi địa phương quy hoạch KKT Nhơn Hội, cánh rừng dương bạt ngàn phía đồi cát cũng dần bị đốn hạ. Mất rừng dương, đất nhiễm mặn rồi bỏ hoang hóa. 

Bế tắc

Khu tái định cư (TĐC) Nhơn Phước có khoảng 709 hộ dân (gần 2.800 nhân khẩu), đa số là dân ở vùng ven, ảnh hưởng từ KKT Nhơn Hội di dời đến. Trước đây, tất cả họ đều hành nghề đánh bắt, nuôi hải sản ở ven đầm Thị Nại hoặc là cư dân làng chài ven biển…

Sau 10 năm đến nơi ở mới, người dân ở khu TĐC Nhơn Phước vẫn chưa thể an cư. Theo báo cáo của thôn Nhơn Phước, hiện có 500 người dân ở lứa tuổi 50 trở lên đang không có việc làm, sống lay lất.

Ông Võ Văn H. (57 tuổi, người dân trong khu TĐC Nhơn Phước) buồn bã, nói: “Ở làng cũ có đất, có nghề, chỉ cần ra khơi thả lưới là có đầy cua cá. Cuộc sống tuy vất vả nhưng vui vẻ, hạnh phúc hơn bây giờ. Từ khi về khu TĐC này, ghe tàu tìm không được lao động đành bán hết, bỏ luôn nghề. Bây giờ, lứa tuổi chúng tôi sống bế tắc”.

Ông Phan Viết Hùng, Phó ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định, cho biết: Vùng dân cư dọc tuyến đường ĐT639 nằm trong quy hoạch vùng đệm cách ly các khu công nghiệp của KKT Nhơn Hội, buộc phải di dời. Trong câu chuyện này, cũng có phần lỗi của tỉnh. Do thời điểm quy hoạch KKT, ngân sách địa phương còn khó khăn, không thể giải tỏa trắng, giải quyết các vấn đề một lần được. Từ đó, phải làm theo kiểu “cuốn chiếu”, mời gọi được nhà đầu tư thì mới tính đến việc giải tỏa, di dời. Sắp tới, Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét phê duyệt quy hoạch ven đầm Thị Nại. Chậm nhất trong năm 2020 hoặc 2021 sẽ tiến hành di dời, giải tỏa vùng dân cư này. Còn đối với khu TĐC Nhơn Phước, do người dân kiện cáo lên tận Tòa án Tối cao nên địa phương phải dừng dự án chuyển đi nơi khác…

Ông Phạm Văn Liêm, Trưởng thôn Nhơn Phước, cho biết: “Đúng ra, khi bố trí TĐC đến nơi ở mới, nhà nước chỉ hỗ trợ gạo ăn 3 năm cho dân. Tuy nhiên, đến nay đã hỗ trợ gạo 10 năm mà vẫn không có cách nào tháo gỡ được. Số dân 50 tuổi trở lên này, hiện chỉ có 15 người có lương, số còn lại phải sống được đến 80 tuổi thì mới được hưởng bảo trợ xã hội 270.000 đồng/tháng. Nhiều gia đình đã bán nhà cửa đất đai ở khu TĐC để đi đến nơi khác, hoặc trở lại nơi ở cũ. Có người bế tắc quá đòi xin đến viện dưỡng lão…”.

Chưa hết, theo Trưởng thôn Phạm Văn Liêm, 10 năm qua đang tiếp diễn tình trạng khiếu kiện khiếu nại vượt cấp của hàng chục hộ dân diện giải tỏa đền bù cho khu TĐC Nhơn Phước. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đến rồi lại bỏ về, không chịu hợp tác, thậm chí còn kéo nhau ra cả Trung ương để khiếu kiện rất phức tạp.

Trưởng thôn Phạm Văn Liêm phân tích: “Do quá trình giải tỏa, bồi thường kéo dài thành nhiều đợt, thực hiện theo nhiều quyết định khác nhau nên phát sinh bất cập. Các chính sách, quy định, quyết định hỗ trợ giải phóng mặt bằng không thống nhất, liên tục thay đổi, chênh lệch nhau tiền hỗ trợ lên cả tỷ đồng. Từ đó, người đi trước thấy mình quá thiệt thòi nên quay lại đòi quyền lợi, đẩy cao mâu thuẫn. Hiện có khoảng 1/5 dân số ở thôn Nhơn Phước đang bị kẹt trong vùng quy hoạch treo, dân đang sống rất khổ sở”.

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

vinh nguyen
Dân khổ quá mà. Tới giờ này vẫn khổ

Tin cùng chuyên mục

Miệt mài luyện tập, sẵn sàng cho ngày lễ trọng đại

Miệt mài luyện tập, sẵn sàng cho ngày lễ trọng đại

Chiều 8-4, tại Công viên bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM), hàng trăm người dân thích thú chụp ảnh cùng 15 khẩu đại bác và xem các chiến sĩ tập luyện cho Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975  - 30-4-2025).

Hiện tượng lạ xuất hiện ở Phú Yên sau 46 năm

Hiện tượng lạ xuất hiện ở Phú Yên sau 46 năm

Tại xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) xảy ra hiện tượng lạ, khi đất nứt, bùn trào lên từ các kẽ nứt trên rẫy sắn. Sự việc thu hút sự hiếu kỳ của người dân, trong khi lãnh đạo địa phương khẳng định, cách đây 46 năm đã xảy ra hiện tượng này. 

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung tặng quà cho đại diện Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP Cần Thơ nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây

Thăm, tặng quà Tết Chôl Chnăm Thmây tại TP Cần Thơ

Ngày 8-4, Đoàn công tác của Trung ương do Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung làm Trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP Cần Thơ, nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2025. Cùng đi với đoàn có Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Đỗ Thanh Bình.

Huy động 14 xe chuyên dụng khống chế đám cháy tại KCN Trảng Bàng

Huy động 14 xe chuyên dụng khống chế đám cháy tại KCN Trảng Bàng

Sáng 8-4, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC), Công an tỉnh Tây Ninh đã huy động 14 phương tiện, hơn 90 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng PCCC khu vực Trảng Bàng, Gò Dầu, PCCC Khu chế xuất Linh Trung III, KCN Thành Thành Công và các thành viên đội PCCC cơ sở, khống chế đám cháy tại Công ty cổ phần thực phẩm Richy Miền Nam (KCN Trảng Bàng).

Xác minh vụ nữ sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng

Xác minh vụ nữ sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng

Sáng 8-4, ông Mai Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, cho biết, nhà trường đang xác minh vụ việc một nữ sinh của trường bị đánh hội đồng.