Tôi chậm rãi nhấm nháp ly cà phê trên chuyến tàu du lịch chạy dọc kênh Tàu Hủ. Gió từ hướng bên Bạch Đằng lồng lộng thổi về. Không còn hơi hướng gì của một ngày nắng nóng 37, 380C. Đường phố đã lên đèn từ bao giờ. Đại lộ Võ Văn Kiệt, trước đây là đại lộ Đông Tây chạy dọc kênh nối dài từ quận 1 sang quận 8 rực rỡ trong ánh đèn cao áp giống như một thành phố của phương Tây.
Không chỉ có tàu du lịch, con kênh Tàu Hủ - Bến Nghé những ngày này tấp nập xuồng, ghe. Ghe chở hoa kiểng, trái cây, đồ sành sứ từ miệt Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An lên; từ Bình Dương, Đồng Nai xuống theo ngả cầu số 2 hoặc từ ngả Bến Nghé lướt theo con nước vừa lên. Nhịp sống kênh Tàu Hủ trở nên sôi động mỗi ngày sau khi được nạo vét và cải tạo. Xuồng ghe vận tải, tàu du lịch nhộn nhịp ngày đêm đã làm thay đổi diện mạo một con kênh, nơi mà mới chỉ 10 năm trước vẫn còn là những vũng nước tù đọng, nhếch nhác, ô nhiễm và là nơi sống chui rúc của hàng triệu những phận đời cơ cực.
Theo những người dân đã từng bám vào con kênh này để mưu sinh, kênh Tàu Hủ là nỗi cay cực của những số phận tha hương và là một chương buồn trong đời sống của thành phố Sài Gòn hoa lệ. Khách thương hồ thường qua lại con kênh cho biết, dù mùa nước lớn hay nước ròng, chẳng ai dám thả chân xuống dòng kênh nước đen vì có thể nhiễm trùng mất chân như bỡn.
Những người am tường khu vực này còn cho biết, kênh Tàu Hủ trước đây chỉ có đường vào mà không có đường ra. Tuyến đường thủy rộng thênh từ Bến Nghé xuôi Khánh Hội rồi sang Tàu Hủ một thời bị tắc nghẽn do lưu dân lấn chiếm trái phép mặt kênh. Những khu nhà ổ chuột tràn ra vô tội vạ biến dòng chảy con kênh thành một vũng nước đọng đầy bùn và rác rưởi. Hành trình của ghe thương hồ cũng “Thục đạo nan”. Từ cầu số 2 đến bến Bình Đông chỉ khoảng 2km mà ghe phải đi mất cả giờ và cứ vài phút lại dừng vì rác quấn vào làm ngưng chân vịt. Con kênh đã từng một thời “trên bến dưới thuyền” đã thành con kênh chết vì cuộc sống chụp giật của đô thành một thời, nhất là những năm tháng chiến tranh.
Tàu Hủ - Bến Nghé là một con kênh có lịch sử rất lâu đời, khoảng 200 năm có lẻ. Theo sử sách ghi lại, cuối 1772, chúa Nguyễn Cửu Đàm cho đào kinh Ruột Ngựa để lưu thông giữa Sài Gòn và miền Tây Nam bộ, khởi đầu cho số phận một con kênh. Năm 1819, vua Gia Long cho nạo vét và mở rộng kênh lấy tên là An Thông Hà, người dân còn gọi là kinh Mới. Đây là khu vực hoạt động tấp nập nhất của Chợ Lớn nên còn có tên là rạch Chợ Lớn.
Trong gần một thế kỷ, kênh Tàu Hủ thông với sông Sài Gòn, đón nước thủy triều lên xuống hàng ngày. Dòng kênh sạch sẽ, trong xanh, được nạo vét nhiều lần và mở rộng lần cuối vào năm 1922. Có chiều dài khoảng 6km, con kênh chạy loanh quanh từ cầu Chữ Y tới kinh Ruột Ngựa và rạch Lò Gốm. Cái tên Tàu Hủ cũng được nhiều người lý giải khác nhau.
Theo học giả Trương Vĩnh Ký và học giả Huỳnh Tịnh Của thì đoạn phố đi ngang rạch Chợ Lớn được gọi là Tàu Khậu, cách người Triều Châu phát âm từ Thổ khố (khu nhà gạch), sau đọc trại đi là Tàu Hủ. Nhưng cũng còn cách giải thích khác. Theo những người sống ở đây lâu năm, tên Tàu Hủ phát sinh sau này, khi dòng kinh đang dần bị bồi lấp. Nhìn dòng kinh nước đen và những món phụ gia trôi nổi trên đó, người ta liên tưởng đến tương, chao, tàu hủ nên gọi như vậy. Nhưng dù giải thích gì đi nữa, kênh Tàu Hủ vẫn là nơi kết nối trên bến dưới thuyền của đất Gia Định, Chợ Lớn thời bấy giờ. Đến nỗi, thi sĩ Tản Đà từng mệnh danh đây là “con đường vô hạn khách Đông - Tây”.
Từ con kênh này, người ta chứng kiến bao nhiêu cuộc chung đụng của cư dân tứ xứ Bắc Trung Nam và các nước rời bỏ quê hương đến đây lập nghiệp. Không những thế, con đường dọc kênh Tàu Hủ, còn được mệnh danh là “đại lộ Tàu Hủ”, trở thành con đường của lúa gạo, cây trái và gạch gốm của đất Sài thành. Nó kết nối không chỉ Sài Gòn với miền châu thổ trù phú phương Nam mà còn là thương cảng nối liền Sài Gòn với các nước và khu vực trên thế giới.
Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé ngày nay. Ảnh: CAO THĂNG
Nhưng sự đời bãi biển hóa nương dâu. Từ những năm 50 của thế kỷ 20, kênh Tàu Hủ dần mất vai trò của một tuyến giao thông huyết mạch. Chiến tranh liên miên, cùng tình hình kinh tế khó khăn đã đẩy người dân tứ chiếng đổ xô về Sài Gòn để mưu sinh. Dân nhập cư tràn ra mặt kênh, dựng những khu nhà ổ chuột để cư ngụ và kiếm sống. Vấn nạn dân ngụ cư cùng sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền đã bức tử kênh Tàu Hủ.
Cùng chung số phận với dòng kênh, con đường từng tấp nập một thời được mệnh danh là “đại lộ lúa gạo” sầm uất, cũng trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Những cây cầu sắt già nua, ọp ẹp và nạn kẹt xe triền miên đã gây khó khăn không ít cho cuộc sống bình thường của cư dân hai bờ kênh Tẻ. Con đường về trung tâm thành phố bỗng dài ra một cách đáng sợ. Gần nhà xa ngõ là vì thế. Nhiều cán bộ quận 8 hóm hỉnh kể lại rằng, mỗi khi có cuộc họp ở quận 1 hoặc quận 3, họ phải dậy từ 4, 5 giờ sáng, đi bộ qua cầu Chà Và, có tài xế chờ sẵn bên cầu phía quận 5 mới mong đến kịp cuộc họp. Các tuyến đường khác như cầu Chữ Y cũng tương tự.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, lãnh đạo thành phố đã rất bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề trên kênh rạch ở TPHCM và cuộc sống bức bách của hàng triệu cư dân lưu trú ở đây. Ý tưởng về dự án cải tạo môi trường TPHCM hình thành nhằm đưa thành phố trở thành một đô thị kiểu mẫu về văn minh hiện đại. Nhưng dự án phải được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận và vấn đề không kém khó khăn là thu hút nguồn vốn từ đâu. Chính sách đúng đắn về thu hút ngoại lực được bạn bè thế giới ủng hộ. Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý chấp nhận cung cấp nguồn vốn ODA.
Năm 1999, báo cáo khả thi dự án môi trường nước TPHCM, lưu vực kênh Tàu Hủ, kênh Bến Nghé, kênh Đôi và kênh Tẻ hoàn thành, mở đầu cho việc triển khai thi công công trình xây dựng có quy mô lớn nhất thành phố. Dự án kéo dài hơn 10 năm bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2001 đến 2008 có tổng số vốn đầu tư 4.164 tỷ đồng, vốn vay là của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản. Phần còn lại là vốn ứng đối trong nước. Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 11.281 tỷ đồng, bắt đầu từ 2008 và kết thúc hoàn hảo vào 2013.
Ước mơ đã thành sự thật. Không thể không nói đến những con số gây ấn tượng. Dự án góp phần cải thiện môi trường trên một lưu vực có diện tích 2.150,7ha kéo dài từ các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình và huyện Bình Chánh. Quan trọng hơn, 2.537 hộ dân đã thoát khỏi cuộc sống ổ chuột cơ cực nhờ hàng chục khu định cư khang trang ở các quận 4, 7 và 8. Dự án cải tạo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi và kênh Tẻ góp phần tạo gương mặt mới cho cảnh quan đô thị TPHCM, mở ra cơ hội mới cho du lịch thành phố - du lịch sông nước, một thế mạnh của thành phố và các tỉnh phương Nam.
Bắt đầu là tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé với tuyến buýt từ quận 6 về bến Bạch Đằng, mà hôm nay tôi đang ngồi nhấm nháp cà phê ở đây. Từ bến Bạch Đằng, nơi trung tâm thành phố sẽ mở các tuyến buýt đi Bình Quới - Thanh Đa. Rồi bến Bạch Đằng đi Bến Dược, Củ Chi. Tương lai sẽ là tuyến du lịch sông nước từ trung tâm quận 1 đến các chùa cổ, các di tích văn hóa ở quận 5, quận 6. Xa hơn sẽ là tuyến du lịch qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đến vựa cây trái miền Tây Nam bộ.
Sau tuyến kênh Bến Nghé - Tàu Hủ, dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng đang ráo riết chạy đua với tiến độ. Nằm ở phía Tây thành phố, kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng là một con kênh ô nhiễm nặng nề. Sau hàng chục năm bị bỏ quên, bị lấn chiếm trái phép, con kênh thực chất chỉ còn là những rãnh nước ô nhiễm nghiêm trọng. Từ cầu Lò Gốm thuộc quận 6 chạy ngược lên thượng nguồn về phía quận Tân Bình, Tân Phú, dòng kênh ngày càng hẹp lại, nước bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Đến khu vực quận Tân Phú, dòng kênh chỉ còn là một rãnh nước đen. Sống chung với ô nhiễm đã trở thành số phận thường nhật của hàng vạn gia đình nghèo sống dọc 2 bờ kênh và ngỡ sẽ gắn bó với họ suốt đời như một định mệnh.
Nhưng với quyết tâm của chính quyền thành phố, dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã được khởi công. Dự án nhằm cải tạo môi trường của dòng kênh, đương nhiên. Nhưng mục tiêu không chỉ có vậy. Dự án còn nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu dân cư thu nhập thấp, cải thiện hệ thống cấp thoát nước, đầu tư làm mới một số con đường, nhựa hóa những ngõ hẻm lầy lội ở những nơi mà dòng kênh đã đi qua. Dự án trải dài trên 13 quận huyện thành phố, sẽ làm thay đổi vận mệnh cả triệu con người.
Khởi động từ cách đây 10 năm, giai đoạn 1 của dự án bắt đầu từ năm 2004, hoàn thành vào năm 2006 với hai hạng mục “nâng cấp cơ sở hạ tầng trong các khu dân cư có thu nhập thấp khu vực Tân Hóa - Lò Gốm” và “lập quỹ quay vòng vốn cho người dân có thu nhập thấp vay để nâng cấp nhà ở” với tổng số vốn 437 tỷ đồng. Giai đoạn 1 đã kết thúc tại quận 6, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân. Hàng trăm hẻm nhỏ lầy lội đã được nâng cấp. 22,802 hộ dân được đổi đời.
Giai đoạn 2 là giai đoạn quan trọng sẽ làm sống lại con kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Khởi động vào năm 2007 và dự kiến kết thúc vào năm nay, công trình có tổng số vốn khoảng 1.800 tỷ đồng. Công việc chính sẽ là nạo vét cải tạo mở rộng dòng kênh, đắp bờ, xây tường ngăn lũ. Đặt 3km cống hộp từ đường Âu Cơ (Tân Phú) đến cầu Hòa Bình (quận 11). Xây 10 cây cầu mới qua dòng kênh. Mở rộng gần 8km đường ven kênh từ 6m lên 20m và làm mới 12km đường. Hiện nay về cơ bản, tuyến đường đã hoàn thành. 7,4km kênh cải tạo sẽ được xây 2 bờ kè bằng bê tông.
Khi hoàn thành, kênh Tân Hóa - Lò Gốm tăng khả năng thoát nước tại khu vực này của thành phố, giảm tình trạng ngập úng cho lưu vực của kênh có diện tích gần 19km2 với gần 130.000 dân bị ảnh hưởng. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, từ kinh nghiệm dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, có thể thấy kênh Tân Hóa - Lò Gốm hoàn thành sẽ cải thiện chất lượng môi trường rất lớn cho người dân dọc hai bờ kênh.
Vâng! Đó chính là ý nghĩa nhân văn của dự án. Nâng cao chất lượng môi trường cũng có nghĩa là nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Đó là con đường duy nhất đúng để xây dựng đô thị bền vững hiện đại và văn minh. Đó là lý do tôi đã chọn chuyến du lịch sông nước trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Không phải là để tìm lại cảm giác trong những chuyến du lịch trên sông Hoàng Phố, trên sông Mátxcơva (Nga) hay trên những kênh rạch chằng chịt ở Amsterdam (Hà Lan). Tôi chỉ muốn tìm lại chút hồn cốt sông nước miệt vườn của đất Gia Định - Bến Nghé xưa, thành quả của những chính sách phát triển đúng đắn của TPHCM, như một chuyến du lịch về nguồn. Và, trên con tàu du lịch, đón ngọn gió mát rượi thổi về từ bến Bạch Đằng, nhấm nháp ly cà phê, nghe vị ngọt thấm vào đầu lưỡi, trong đầu tôi vang lên câu ca dao cũ: Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.
DƯƠNG TRỌNG DẬT