Đứng cạnh poster (áp phích) bộ phim Mùa gió chướng được sản xuất 45 năm về trước (năm 1977), diễn viên Thùy Liên – người đảm nhận vai Sáu Linh không giấu được niềm xúc động. Ở tuổi ngoài 70, bà nhớ lại thời điểm được đạo diễn, NSND Hồng Sến lựa chọn đóng vai nữ chính trong phim bà mới hơn 20 tuổi.
Bộ phim có nhiều kỷ niệm lần đầu tiên đáng nhớ. Đây là phim truyện điện ảnh đầu tiên của NSND Hồng Sến trong vai trò đạo diễn; kịch bản đầu tiên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng (cũng là tác giả tiểu thuyết cùng tên) và vai nữ chính đầu tiên của diễn viên Thùy Liên.
Trước đó, nhờ cơ duyên tham gia Tình đất Củ Chi (biên kịch: Lê Văn Duy, đạo diễn: Mai Lộc) bà được đạo diễn biết mặt và trao cho cơ hội trong Mùa gió chướng.
Hơn 3 tháng quay phim với bối cảnh chính tại Đồng Tháp Mười vào đúng mùa nước nổi, gió chướng là những ngày tháng gian khổ, thiếu thốn khi mọi sinh hoạt đều gắn liền với sông nước, xuồng ghe. Rất nhiều cảnh quay khiến bà nhớ mãi như bị đỉa cắn kín chân khi ngâm mình dưới nước hay lần đầu tiên phải tập cầm súng, bắn súng.
“Đoàn phim phải chờ đúng những ngày ngược gió, gió chướng mới quay được. Nhiều khi đứng trên cầu treo nếu không vững có thể té xuống nước bất cứ lúc nào” – bà nhớ lại. Nhưng chính sự hăng say, nhiệt tình của tất cả các thành viên trong đoàn khiến mọi nỗi sợ tan biến.
Một điều khiến bà ngậm ngùi, đó là hầu hết các thành viên chính trong đoàn phim: đạo diễn Hồng Sến, biên kịch Nguyễn Quang Sáng, diễn viên Lý Huỳnh, Lâm Tới… đều đã qua đời. Vậy nên, khi nhìn lại những hình ảnh được trưng bày tại không gian lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Điện ảnh TPHCM, những cảm xúc cũ lại ùa về.
Không chỉ có diễn viên Thùy Liên, sự xuất hiện của đạo diễn Xuân Phượng năm nay đã 95 tuổi hay đạo diễn, NSƯT Lê Văn Duy ở tuổi 80… tại lễ khai mạc sáng 28-10 cũng gợi nhiều ký ức về những thế hệ làm phim tiên phong, những nhân chứng sống của điện ảnh.
Cũng tại sự kiện còn có sự góp mặt của nhiều gương mặt nghệ sĩ như: NSUT Hạnh Thúy, diễn viên Công Hậu, Mai Thu Huyền, Trần Bảo Sơn, Trường Thịnh, Ôn Bích Hằng… cùng nhiều thế hệ nhà làm phim khác nhau của điện ảnh TPHCM.
Tại không gian trưng bày, cùng với Mùa gió chướng, một số poster phim đình đám của điện ảnh cách mạng Việt Nam: Cánh đồng hoang, Về nơi gió cát, Vùng gió xoáy… cũng được giới thiệu như một phần nhắc nhớ về những thước phim đầy tự hào.
Trong khi đó, poster các bộ phim: Lệnh truy nã 2, Dấu ấn của quỷ, Mùa len trâu, Vị đắng tình yêu, Thời xa vắng, Chung cư, Huyền thoại bất tử, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Hai Phượng, Song lang, Em chưa 18… mang tính chọn lọc, điểm lại những dấu ấn tiêu biểu từ thời kỳ của điện ảnh cách mạng Bưng biền Nam bộ đến giai đoạn bùng nổ của dòng phim tư nhân hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiều hình ảnh tư liệu về giai đoạn làm phim thủ công với các thiết bị thô sơ… gắn liền với điện ảnh cách mạng Bưng biền Nam bộ hơn 70 năm về trước hay xưởng phim Giải Phóng sau này được giới thiệu cũng mang đến cái nhìn chân thật, xúc động và cả tự hào.
Các hiện vật quý: máy quay phim nhựa, máy chiếu phim, dụng cụ đo chiều dài phim, dụng cụ dán phim… tuy ít ỏi nhưng được trưng bày trang trọng tại sự kiện.
Theo bà Dương Cẩm Thúy – Chủ tịch Hội Điện ảnh TPCHM: “Chúng tôi có mong muốn được trưng bày các hiện vật, hình ảnh về quá trình làm phim, poster giới thiệu… nhưng vì không gian không cho phép nên chỉ chọn lọc được một số hiện vật tiêu biểu”.
Tại không gian trưng bày, bà Thúy đặc biệt tâm đắc với bức hình về đại hội thành lập Hội điện ảnh TPHCM cách đây 40 năm hiện vẫn còn được lưu giữ và hình ảnh LHP Việt Nam lần 6 năm 1983 – sự kiện lần thứ 2 được tổ chức tại TPHCM.
Bà Thúy cho biết, mong muốn lớn nhất của bà cũng như của các hội viên là sớm có thể xây dựng được một bảo tàng điện ảnh nhỏ tại TPHCM. Tại đó, sẽ giới thiệu đến công chúng nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý Hội Điện ảnh TPHCM hiện đang lưu giữ cũng như được các nhà làm phim trao tặng.
Bà Thúy cũng cho biết thêm, trong 3 ngày từ 28 đến 30-10 còn diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Điện ảnh TPHCM: họp mặt ban chấp hành qua các nhiệm kỳ, biểu diễn văn nghệ, thời trang, âm nhạc... với mục đích tăng tính giao lưu, gắn kết giữa các hội viên, chi hội.
Một trong những kế hoạch trọng điểm được Hội Điện ảnh triển khai trong năm 2023 là giới thiệu và tổ chức LHP phim ngắn TPHCM lần đầu tiên sau thời gian dài ấp ủ nhưng chưa thể thực hiện vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Sự kiện dự kiến tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần.
Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ lên kế hoạch tổ chức lại cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh triển vọng Ngôi sao ngày mai đã được hình thành từ những năm 90 nhưng bị gián đoạn thời gian qua.
Lễ kỷ niệm 40 thành lập Hội Điện ảnh TPHCM sẽ được tổ chức vào 8 giờ sáng chủ nhật, ngày 30-10 tại Nhà hát thành phố (số 7 Công trường Lam Sơn, quận 1).