Tuy nhiên, mãi đến tháng 12-2019, Ban quản trị chung cư mới được thành lập. Theo người dân, việc chậm trễ thành lập ban quản trị là có chủ đích, nhất là việc “ẵm” luôn khoản phí bảo trì 2% (khoảng 4 tỷ đồng).
Theo ông Trần Tường Khuê, Trưởng ban quản trị chung cư Sông Đà Nha Trang, phần diện tích sử dụng chung của khối nhà chung cư bị Công ty ngang nhiên lấn chiếm từ năm 2017, xây dựng một số hạng mục trái phép như quán cà phê - ăn sáng, bể bơi… để cho thuê.
Từ những bức xúc của cư dân, vào tháng 8-2019, Sở Xây dựng Khánh Hòa đã kiểm tra thực tế và khẳng định những phản ánh của cư dân là đúng sự thật. Theo Sở Xây dựng Khánh Hòa, một phần diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng của chung cư đã bị chiếm sử dụng.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn xây dựng thêm 2 hạng mục công trình, gồm: tại vị trí bên trái phía trước cổng vào chung cư xây dựng công trình nhà 1 tầng, diện tích 24,9m2 sử dụng làm ki-ốt bán hàng tạp hóa. Phía sau bên phải tòa nhà chung cư xây dựng công trình nhà 2 tầng, diện tích xây dựng 71,75m2 để kinh doanh. Những hạng mục trái phép đó đã “bó” sân chơi và phá vỡ quy hoạch.
Sở Xây dựng Khánh Hòa khẳng định, các hạng mục công trình kể trên không có giấy phép xây dựng. Thế nhưng, không hiểu sao đến nay các công trình trái phép này vẫn ung dung tồn tại.
Theo cư dân chung cư, 8 năm qua, kể từ khi dọn vào sinh sống, hệ thống PCCC tại chung cư chưa có sự bảo trì, sửa chữa, thay thế lần nào. Cụ thể, hiện nay nhiều đầu báo cháy tại căn hộ không hoạt động, nhiều bình chữa cháy đã hỏng. Điều này khiến cư dân thấp thỏm, sống trong sợ hãi, ám ảnh về vụ cháy chung cư một số nơi. Các bể phốt (hầm cầu) sau 8 năm bị đầy nhưng không được hút rửa, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm không khí. Còn bể nước sinh hoạt, lẽ ra mỗi năm phải thay rửa một lần nhưng chủ đầu tư không tiến hành thay rửa, bỏ lơ mặc cho cư dân nhiều lần kiến nghị.
Mới đây, Viện Pasteur Nha Trang đã xét nghiệm chất lượng mẫu nước lấy tại bể chứa nước của chung cư, vào tháng 7-2019 và kết luận mẫu nước không đạt chất lượng nước ăn uống theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, những gì cư dân nhận được sau nhiều lần phản ánh là sự… im lặng. Điều đáng nói, chung cư có 4 thang máy nhưng có thời điểm 2 thang máy bị hư hỏng, thậm chí có lần thang máy chung cư rơi tự do từ tầng 12 xuống tầng 8, khiến nhiều người mắc kẹt, hoảng sợ.
Đến nay cư dân tự đóng góp, bỏ ra 150 triệu đồng để sửa chữa 2 thang máy nhằm đảm bảo việc đi lại. Từ những bất cập kể trên, cư dân yêu cầu Công ty CP Sông Đà Nha Trang khẩn trương trả lại diện tích chung đã bị chiếm dụng trái phép; sửa chữa, thay thế hệ chống PCCC và bàn giao phí bảo trì 2% chung cư cho Ban quản trị để sửa chữa các hạng mục.
Trong văn bản chỉ đạo đề ngày 8-5-2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng yêu cầu Công ty CP Sông Đà Nha Trang chuyển kinh phí bảo trì sang cho Ban quản trị chung cư. Thế nhưng, cư dân cho rằng, văn bản này chỉ đạo chung chung, nhất là việc không ấn định thời gian, nên chủ đầu tư sẽ tiếp tục trì hoãn bàn giao phí bảo trì như họ đã từng làm gần chục năm qua.