Từ quốc lộ 50, đi theo con lộ nhỏ khoảng 1km, qua cây cầu bê tông bắc ngang rạch Cống Lớn là đến Xóm Gò thuộc ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM. Nơi đây từng được mệnh danh là “Xóm 3 không” do không đường, không điện, không nước. Giờ đây, Xóm Gò đang từng bước chuyển mình, đã có đường, điện, nước đầy đủ. Tuy vậy, điều làm cho đời sống người dân thay đổi nhiều nhất không phải chỉ có thế, mà là nhờ nghề trồng bồn bồn xen với nuôi cá thịt.
Hiện nay, đi dọc theo tuyến đường vào Xóm Gò, đến đâu cũng thấy các hộ dân trồng bồn bồn, nhưng nhiều nhất và có hiệu quả nhất phải kể hộ ông Tô Văn Cón (Sáu Cón), thuộc tổ 17, ấp 1, xã Phong Phú.
Hộ ông Sáu Cón có 5.000m² đất cạnh con rạch nối với sông Cần Giuộc, trước đây chỉ trồng lúa một vụ và nuôi vịt đẻ. Sau khi gặp trận dịch cúm gia cầm, ông bỏ nghề nuôi vịt và sống bấp bênh với nghề trồng lúa. Nhiều lần về miền Tây, thấy nông dân nơi đây trồng bồn bồn có thu nhập khá, ông Sáu Cón về nhà đắp bờ bao chuyển hết 5.000m² đất trồng lúa sang trồng cây bồn bồn kết hợp nuôi cá rô phi, cá chép, cá mè… So với cây lúa, cây bồn bồn phát triển nhanh hơn, chỉ sau 2 tháng là cho sản phẩm thu hoạch; mỗi năm có thể thu hoạch 6 đợt, với sản lượng khoảng 1,8 - 2 tấn/ha.
Bồn bồn là cây hoang dại mọc tràn lan ở các ruộng biền. Trồng khoảng 2 tháng, cây bồn bồn cao tới bụng, nhổ lấy phần gốc non bán cho thương lái. Gốc bồn bồn non được xem là rau để làm gỏi, nấu canh, xào, nhất là làm dưa ăn kèm cá kho tuyệt ngon, nên trở thành đặc sản có mặt trên bàn tiệc của các nhà hàng, quán ăn, thậm chí vào các siêu thị…
Sau nhiều năm trồng bồn bồn thấy có hiệu quả, mới đây ông Sáu Cón khai khẩn thêm đất của các hộ lân cận bỏ hoang để trồng giống cây này với diện tích 3,5ha. Hiện nay, trung bình mỗi đợt (2 tháng) ông thu hoạch 500kg bồn bồn tươi, có thương lái đến tận ruộng mua với giá 13.000 đồng/kg, lúc cao điểm lên tới 17.000 - 18.000 đồng/kg; thu hoạch 6 đợt/năm. Mỗi năm ông còn thu hoạch hơn 6 tấn cá thịt, bán với giá trung bình 15.000 đồng/kg. Tính chung, mỗi năm ông Sáu Cón kiếm được hơn 120 triệu đồng bằng nghề trồng bồn bồn và nuôi cá thịt.
Ông Sáu Cón chia sẻ: “Cây bồn bồn tuy dễ trồng và mau có sản phẩm, nhưng do giống cây này chủ yếu sống dưới nước nên thu hoạch rất cực. Mỗi lần tới đợt nhổ lấy gốc, phải ngâm mình dưới nước cả buổi, đem lên còn phải cắt gọt sạch sẽ. Trong lúc nhổ, chỉ sơ suất sẽ bị đứt tay, đứt chân vì lá bồn bồn bén như lưỡi lam. Còn nuôi cá thịt xen cây bồn bồn tuy không được số nhiều nhưng được cái lợi là không tốn kém thức ăn, vì lá bồn bồn héo chìm dưới nước rã ra làm thức ăn cho cá”.
Hiện nay Xóm Gò có khoảng 170 hộ dân, trong đó có hơn 70% số hộ sống bằng nghề trồng cây bồn bồn kết hợp nuôi cá thịt. Nhiều gia đình nhờ nghề này đã từ nghèo vươn lên khá. Tuy vậy, chưa có tổ chức nào đứng ra thu mua sản phẩm, mà phụ thuộc vào thương lái. Thay vì thu mua hàng ngày, nhiều khi 2-3 ngày thương lái mới thu mua một đợt nên thu nhập của người dân trồng bồn bồn còn bấp bênh.
Theo ông Sáu Cón, nếu được chính quyền địa phương lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác, để đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm cây bồn bồn, thì đời sống người dân Xóm Gò có thể trở nên giàu từ giống cây trồng đặc sản này.