Với chủ đề “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học”, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 kêu gọi chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai sống hài hòa với thiên nhiên vào năm 2050.
Theo số liệu của Liên hiệp quốc, khoảng 25% số loài trong các nhóm động vật và thực vật bị đe dọa. Hơn 1 triệu trong số 8 triệu loài động vật, thực vật ước tính trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, các quốc gia cần tăng cường truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và vai trò của đa dạng sinh học trong phát triển bền vững; thay đổi hành vi và thúc đẩy lối sống hài hòa với thiên nhiên; không săn bắt và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã quý hiếm; chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích thu được từ thiên nhiên: xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng…
Bảo đảm phù hợp với khuôn khổ, mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal được thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học. Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal với 4 mục tiêu tổng quát và 23 mục tiêu cụ thể, được 196 quốc gia thông qua tháng 12-2022, đã khẳng định các hành động cụ thể và hợp tác toàn cầu lúc này sẽ thúc đẩy sự thay đổi, đảo ngược tình trạng suy thoái đa dạng sinh học.
Theo báo Financial Times, một làn sóng các quỹ đa dạng sinh học đã nổi lên trong năm 2022 để giải quyết vấn đề này. Hầu hết các quỹ này đều tập trung vào nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng với các biện pháp trung hòa carbon. Đây cũng là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư xem xét đưa các quỹ này vào danh mục đầu tư cùng với các khoản dành cho thích ứng biến đổi khí hậu hiện có. Để được tham gia vào các quỹ này, công ty phải có ít nhất 20% doanh thu đến từ một sản phẩm hoặc dịch vụ mang yếu tố đa dạng sinh học.