Cư dân rất hiểu việc xây dựng các công trình công ích chính là lo cho dân, nên gắng chịu đựng những phiền toái, trở ngại do việc thi công gây ra. Tuy nhiên, tình trạng ngày càng tệ đến mức ra ngõ gặp lô cốt, đường sá tan nát, ùn tắc giao thông triền miên, việc buôn bán kinh doanh bị cản trở kéo dài.
Bỗng dưng bị nhốt
Chỉ riêng trên địa bàn phường 4 đồng loạt có 4 dự án lớn đang triển khai thi công: dự án cải thiện môi trường nước TPHCM giai đoạn 2; dự án khu công viên văn hóa - du lịch - thể thao; dự án đường dây 110kV Chánh Hưng; dự án nâng cấp đường Cao Lỗ.
Theo Giấy phép thi công số 1723 của Sở GTVT TPHCM cấp, gói thầu G (xây dựng hệ thống cống bao dự án cải thiện môi trường nước TPHCM) do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị làm chủ đầu tư; Liên danh Yasuda - Kolon thi công.
Tại các tuyến đường Âu Dương Lân, Cao Lỗ, Phạm Thế Hiển có 32 công trình; nhiều nhất là đường Phạm Thế Hiển với 19 công trình. Các rào chắn tại công trình có chiều dài từ 20m đến 70m, chiều rộng từ 5m trở lên. Do vậy, tại các con đường nói trên xuất hiện rất nhiều lô cốt, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, đi lại của cư dân.
Ngoài ra, 2 cây cầu huyết mạch nối khu Nam thành phố với các quận nội thành là cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Chữ Y đang được sửa, lô cốt cũng dựng ngay trên cầu. Lô cốt xuất hiện tràn lan, do vậy giờ nào cũng kẹt xe.
Ông Nguyễn Xuân Sinh, Bí thư Chi bộ khu phố 4 phường 3, cho biết: “Đơn vị thi công đã quá xem thường người dân. Họ dựng lô cốt nhưng không thông báo cho chính quyền địa phương và nhân dân khu phố, tổ dân phố biết. Vì vậy bà con ở đây đã rất khổ sở khi lô cốt đột ngột dựng lên chắn trước nhà, trước cửa hàng, tiệm quán đang kinh doanh”.
Xe buýt phải bỏ tuyến
Chính vì có quá nhiều lô cốt chiếm mặt đường, trong thời gian qua, tình hình giao thông ở khu vực quận 8 diễn biến rất phức tạp. Ùn tắc không những diễn ra trong giờ cao điểm mà có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày.
Trong giờ cao điểm, xe buýt khó di chuyển, phải bỏ tuyến liên tục. Bà Lâm Thị Lang (ở đường Âu Dương Lân) cho biết: “Khi không có các lô cốt, chúng tôi đi lại bằng xe buýt rất thuận tiện. Cháu tôi đi học ở gần Khu chế xuất Tân Thuận, đã chọn tuyến xe buýt số 17 (lộ trình Bến xe Chợ Lớn đến Khu chế xuất Tân Thuận và ngược lại) để đi lại. Tuy nhiên, kể từ khi các lô cốt dựng lên, xe buýt bỏ tuyến liên tục. Lẽ ra, lộ trình về, xe buýt sẽ đi đến đường Âu Dương Lân, nhưng đến cầu Rạch Ông, tài xế biết kẹt xe đã phải nói hành khách xuống xe để tiếp tục đi xe ôm hay gọi người nhà ra đón, còn xe buýt chạy thẳng ra đường Trần Hưng Đạo, bỏ qua các tuyến đường ở quận 8”.
Theo giấy phép xây dựng, phần đông các rào chắn đều được thiết lập theo công trình từ tháng 3-2018 và hoàn thành, tháo dỡ rào chắn vào tháng 3-2019. Tuy nhiên, qua khảo sát, nhiều công trình đã cơ bản hoàn thành, đơn vị thi công đã tiến hành rải đá dăm, nhưng lại rề rà việc trải nhựa nóng, một số công trình mấy ngày liền không thấy hoạt động nhưng vẫn không tháo dỡ rào chắn.
Ông Nguyễn Bá Quang (cư ngụ trên đường Phạm Thế Hiển, đoạn phường 4) nói: “Việc thi công các công trình đường sá, thoát nước, truyền tải điện, cống bao là rất cần thiết. Người dân chúng tôi luôn ý thức chia sẻ khó khăn với chính quyền và các đơn vị đầu tư, thi công. Tuy nhiên, việc tổ chức thi công đồng thời hàng loạt công trình, dựng lô cốt tràn lan như thế này là không hợp lý, lẽ ra phải thực hiện theo giải pháp cuốn chiếu, xong ở điểm này mới dựng tiếp lô cốt ở điểm khác. Điều tiên quyết và cần thiết là quan tâm hơn đến đời sống cư dân, thi công khẩn trương, rốt ráo, không nên dây dưa dẫn đến tình trạng bên ngoài lô cốt thì xe cộ ùn tắc, còn bên trong lô cốt vẫn rào chiếm dụng rồi bỏ không. Hiện nay, nhiều điểm đã thi công xong nhưng không khẩn trương trả lại mặt đường để người dân đi lại”.