Đánh giặc bằng thơ ca
Có một núi đá cây cối xanh rờn, nằm sát vách biển Đông thuộc địa phận huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), dân bản xứ gọi là Mũi Rồng (nay là thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ).
Ông Hồ Kim Anh (79 tuổi, thôn Tân Phụng) kể: Trước đây, làng biển bên Mũi Rồng (nay là thôn Tân Phụng) đói lắm. Mọi người phải lục lọi đi tìm rau má, củ lang, củ mì, rơm khô… qua bữa. Đói khát là vậy, nhưng quyết không theo địch. Ngày tàu Mỹ - Ngụy đổ bộ, dân làng sử dụng bồ đựng lúa sơn đỏ, cắt vải làm cờ trắng dựng vọng đài trên núi cao để canh địch. Khi đài kéo lên 1 bồ, báo hiệu địch đang thả neo ngoài vịnh; kéo 2 bồ, địch bắt đầu đổ bộ bằng ca nô; kéo 3 bồ, địch sắp vào làng; còn kéo cờ là địch đang đổ bộ từ hướng đất liền. Nhờ các vọng đài thông tin nên khi địch vào đến làng chỉ còn lại hầm chông và những ngôi nhà trống trơn. Ngoài ra, vạn dân nơi Mũi Rồng còn có cách chuyển tải thông tin đến tai địch rất đặc biệt. Người ta lấy nhôm, thiếc và dây đồng để chế ra loa phát. Dân trèo lên các ngọn cây bàng, cây dừa, vách núi cao để “a lô” ra biển, phản đối giặc cướp nước. Ca rằng: A lô… a lô… chim không goánh (đánh), chim cùng một tổ… a lô, a lô…/Trâu một chuồng ai nỡ báng nhau/Cùng chung một giọt máu đào/Anh còn nhớ nước, nước nào quên anh… Rồi: Anh đi đốt phá mùa màng/Đồng bào đói khổ tang hoang bốn bề/Dân dù đói vẫn thề giết giặc/Quyết không cho giặc Mỹ đè đầu, a lô… a lô…
Ông Phan Giúp (69 tuổi) kể: “Hầu hết ngư dân làng biển Mũi Rồng ngày ấy đều thuộc răm rắp dăm ba câu vè, thơ, hoặc không thì hô bài chòi rất bén. Địch mạnh, ta yếu, đánh không được thì chửi, lấy bài chòi ra để biến tấu chửi cho bỏ hờn… Cũng trong một trận đi càn/Trời nắng le lưỡi từng đoàn chó săn/Ông đi ngang qua vũng nước trâu nằm/Tha hồ ông đẵm, ông lăn… ớ… ơ như bà…./Ông ngứa tứ tung, ông cởi áo quần ông chạy là la… ông la.
Núi đá ghi công
Những năm 1966 - 1970, Mũi Rồng chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt, kiểu 1 chọi 10. Địch cứ nghe đến Mũi Rồng - Tân Phụng là khiếp đảm. Khi địch ném bom, xả đạn pháo khiến nhiều dân làng thiệt mạng. Hận thù khiến già, trẻ nơi làng biển nổi dậy cướp súng địch đánh đuổi địch. Chiến công đầu tiên phải kể đến trận đánh tàu Mỹ - ngụy năm 1966 ở hòn Đụn.
Ông Nguyễn Mỹ (77 tuổi, thôn Tân Phụng) nhớ lại: Những năm 1964 - 1965 tàu không số của quân ta từ Bắc vận chuyển vũ khí vào Nam, đến bến Lộ Diêu (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) thì ghé lại. Mãi đến năm 1966, địch mới phát hiện, điều 2 tàu truy lùng, ngăn chặn tại các mũi biển Đề Gi, Lộ Diêu, Mũi Rồng… Chúng bắn phá các mũi biển, đảo, làng chài tan nát. Sau 7 ngày đêm theo dõi, nhận thấy tàu của địch thường xuyên lui tới hòn Đụn, du kích thôn Tân Phụng lên kế hoạch đánh. 12 người ngụy trang sơn mình, vác súng và lựu đạn bơi ra hòn Đụn (cách bờ 2,4 hải lý). Lợi dụng địa hình, anh em tôi xả đạn làm tê liệt 2 tàu, bắn chìm 2 ca nô, tiêu diệt 8 tên, thu toàn bộ súng ống. Địch khiếp đảm không dám ghé Mũi Rồng nữa. Nói chung, ngày ấy chúng tôi đánh trận như cơm bữa. Đêm nào cũng đánh, đánh vài phút thì rút lui. Đánh thế để địch ngán, suy giảm rồi bỏ bốt. Đêm, du kích đánh. Ngày, dân kéo đi biểu tình. Dù đạn dược súng ống hạn chế nhưng khí thế thì ngợp trời.
Đến Mũi Rồng vào một ngày nắng gắt cuối tháng 8, chúng tôi thấy từng đoàn tàu cá ở làng biển Tân Phụng hùng hậu, nối nhau neo đậu tràn ra cả vịnh biển. Biển Mũi Rồng ngày nay được ví như “hòn ngọc xanh” của tỉnh Bình Định. Nơi ấy tựa như một bản giao hưởng của cây rừng, núi đá, sóng, gió, cát. Trải qua dâu bể, làng biển bên mũi đá linh thiêng ấy đã tự khẳng định mình vượt qua nghèo khó trở thành phố biển giàu có nhất nhì xứ cát Mỹ Tho này.