Khu liên hợp này do Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Nghệ An khai thác và quản lý. Mặc dù đi vào hoạt động từ lâu, nhưng nhiều hộ dân ở khu vực này vẫn chưa được di dời, phải sống chung với không khí, nguồn nước bị ô nhiễm…
Anh Nguyễn Văn Khôi - con trai ông Khanh, cho biết: “Gia đình tôi phải đi nơi khác ở vì ô nhiễm. Nhiều hôm khói bao phủ cả vùng không thở được. Mùi đốt rác từ ống khói lò đốt bay ra rất kinh khủng…”.
Nhà của ông Trần Đình Lương cách hàng rào khu này khoảng 100m. 7 năm nay, gia đình ông cùng hàng chục hộ dân khác phải chịu đựng không khí ô nhiễm. Mọi người đều mong muốn di dời sớm đến nơi ở mới.
Ông Phùng Bá Đô bức xúc: “Mùi thối đậm đặc đến mức ban đêm trời nóng bức nhưng nhà nào cũng phải đóng cửa. Giếng đào cũng bốc mùi hôi không dám sử dụng, trẻ con trong xóm nhiều đứa bị viêm phổi. Bên tái định cư hứa từ năm này qua năm khác sẽ di dời nhưng mãi không thấy thực hiện. Chúng tôi già, chỉ tội bọn trẻ con”.
Do quá bức xúc, cuối tháng 5-2018, nhiều hộ dân ở xóm 4 (xã Nghi Yên) đã tập trung chặn xe chở rác, không cho vào đổ trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn. Chính quyền huyện Nghi Lộc, xã Nghi Yên đã tổ chức vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và chia sẻ những khó khăn chung của địa phương. Huyện cũng cam kết sẽ di dời 75 hộ dân đến nơi ở mới trong thời gian sớm nhất.
Ông Hoàng Phúc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Yên, cho biết, năm 2010 xã mới tiến hành tái định cư 39 hộ dân để lấy đất xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn. Xã đã khảo sát diện tích cụ thể của từng hộ dân để đưa vào danh sách xây dựng phương án đền bù.
Tháng 2-2017, UBND huyện Nghi Lộc đã tiến hành khảo sát, thống kê các hộ dân bị ảnh hưởng và báo cáo với UBND tỉnh Nghệ An về phương án di dời. Huyện Nghi Lộc đã quy hoạch khu tái định cư rộng gần 6ha tại xóm 3 (cùng xã Nghi Yên). Tổng vốn đầu tư dự án khu tái định cư là 51 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Nghệ An, TP Vinh, thị xã Cửa Lò và huyện Nghi Lộc.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, chia sẻ, đây chỉ mới là số tiền để đầu tư xây dựng hạ tầng khu tái định cư, còn nếu tính cả chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời tái định cư các hộ dân thì ước tính khoảng 200 tỷ đồng. “Người dân kiến nghị được di dời từ lâu, nhưng khó khăn về ngân sách nên chưa thực hiện được”, ông Hải cho hay.
Ông Thái Văn Nông, Phó Giám đốc Sở TN-MT Nghệ An, cho biết, sau khi làm việc với huyện Nghi Lộc và xã Nghi Yên, sở đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh sớm giải quyết di dời các hộ dân… Đối với việc xử lý rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, sở yêu cầu doanh nghiệp phải nâng cấp lò đốt, hạn chế khói xả ra môi trường, hạn chế việc xả nước rỉ bằng cách bơm ngược lại các bể chứa để tạo sự tuần hoàn các bể; đồng thời yêu cầu TP Vinh đầu tư thêm khâu xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường…
Trước đó, ngày 10-8-2018, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn hỏa tốc gửi các bên liên quan, trong đó yêu cầu UBND huyện Nghi Lộc tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục để triển khai xây dựng hạ tầng tái định cư, phấn đấu hoàn thành trong quý 2-2019 để di dời tái định cư các hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng.