Sống chung với ô nhiễm đến bao giờ?

Đã 2 năm qua, kể từ khi dự án cải tạo kênh Tham Lương, đoạn qua phường Đông Hưng Thuận, quận 12 (TPHCM), được triển khai thì cũng là lúc người dân ở tổ 10, 11 (hẻm 2/37) rơi vào tình cảnh “sống chung với ô nhiễm”. Nước thải sinh hoạt không những không thoát được ra kênh mà còn tràn ngược trở lại, khiến cho cuộc sống của người dân ở khu vực này gặp rất nhiều khó khăn.

 

Nước thải sinh hoạt bị ùn ứ bốc mùi do lối thoát bị tắc nghẽn
Nước thải sinh hoạt bị ùn ứ bốc mùi do lối thoát bị tắc nghẽn
Thoát nước tắc nghẽn

Hiện nay rất nhiều kênh rạch nhỏ trên địa bàn TPHCM đã trở  thành… bãi rác. Hậu quả, không chỉ gây ô nhiễm môi trường khu dân cư xung quanh mà nghiêm trọng hơn còn gây ngập mỗi khi có mưa lớn, triều cường. Ghi nhận của chúng tôi tại tổ 10, 11, phường Đông Hưng Thuận (quận 12) cho thấy, lối thoát nước duy nhất của khu vực này đã bị rác thải sinh hoạt, rác xà bần bức tử lâu ngày do không được nạo vét. Nghiêm trọng hơn, tại dự án cải tạo kênh Tham Lương, trong quá trình giải phóng mặt bằng đã san lấp làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước của khu dân cư này. Mưa nhỏ cũng ngập, mưa lớn càng ngập, khiến cuộc sống người dân ở đây đang gặp rất nhiều bức xúc. Tâm sự với chúng tôi, bà Dương Thị Thanh Tâm, ngụ tổ 10, khu phố 1, phường Đông Hưng Thuận, kể: Đoạn đường của khu phố bị ngập nước đã mấy chục năm nay vì đây là nơi trũng nhất nên mỗi lần mưa là ngập, cống thoát nước lại quá nhỏ vì dân tự bỏ tiền túi ra xây đường cống thoát nước thải sinh hoạt hàng ngày dẫn ra con rạch nhỏ rồi chạy thẳng vào kênh Tham Lương, nhưng nay đã bị chặn do đang quy hoạch dự án kênh và con rạch trở thành cái hố ứ đọng nước thải sinh hoạt của người dân, mỗi lần mưa là ngập lầy lội, dơ bẩn; tội cho mấy đứa nhỏ lội nước đến trường, còn dân đi xe thì chết máy.  

Tương tự, ông Trần Văn An, người sống tại đây hơn 20 năm, phản ánh cứ vào mùng 1 và 15 Âm lịch, triều cường dâng cao, không chỉ người dân khu phố “than thở” mà cả những hộ ở khu vực lân cận cũng khốn đốn theo vì mùi hôi thối, dịch sốt xuất huyết do muỗi lây lan, năm nào cũng thuê người phun thuốc mà không ăn thua gì. “Trời mưa nước ngập, rác của người dân để trước nhà và công nhân vệ sinh chưa kịp thu gom, thì trôi từ hướng đường Nguyễn Văn Quá và các khu vực xung quanh chảy về; một phần theo cống từ dưới trồi ngược lên, trôi lềnh bềnh rồi tụ lại ngay con rạch bị chắn bởi dự án kênh Tham Lương. Người dân chúng tôi cũng hay tự ra dọn dẹp bớt, nhưng không lẽ cứ dọn hoài hết tuần này qua tháng khác!”, ông Trần Văn An bức xúc.

Cần tiếng nói chung 

Bức xúc về thực trạng này, ông Lê Văn Mùa, tổ trưởng tổ 10, cho biết đoạn đường ở đây có hơn 30 hộ dân, mỗi lần mưa là ngập có khi cao gần 50cm, người dân không dám đi qua đoạn đường này không chỉ vì mùi hôi thối mà sợ dính nước bẩn sẽ bị ngứa, sinh đủ thứ bệnh về da và đặc biệt là dịch sốt xuất huyết. Chúng tôi có đề nghị chính quyền địa phương làm cống thoát nước mới ra kênh nhưng chính quyền nói chỗ đó “nhỏ quá”, khó quyết toán kinh phí nên kêu gọi người dân “tự thân vận động” bỏ tiền túi ra làm. Cũng theo ông Mùa, trước kia có một con rạch nhỏ rộng 50m chạy cắt ngang đường hẻm số 2 (tổ 10) chảy ra sông; sau này, khi chủ đất phân lô bán đã lắp đoạn cống thoát nước sinh hoạt cho người dân chảy qua bên kia đường hẻm số 2; nay thành phố thực hiện dự án cải tạo kênh Tham Lương, người dân rất phấn khởi nhưng đã 2 năm qua phải khốn đốn vì đoạn đường cải tạo đã san lấp một phần rạch đổ ra kênh Tham Lương (dài 8m) tại khu phố 1. Vào những ngày mưa, nước ứ đọng gây ô nhiễm, rác trôi khắp nơi về gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân xung quanh khu vực. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đăng Nghĩa, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng công trình cải tạo kênh Tham Lương (thuộc Trung tâm chống ngập TPHCM) cho biết, dự án cải tạo kênh Tham Lương đã kết thúc giai đoạn 1. Trong giai đoạn 1, kế hoạch cải tạo kênh chỉ dừng lại ở việc lắp đặt tạm các ống thoát nước D300mm để hỗ trợ việc thoát nước cho khu vực khu dân cư. Tại tuyến đê đi qua phường Đông Hưng Thuận, quận 12, ban quản lý dự án đã hỗ trợ lắp đặt 16 vị trí cống thoát nước, chiều dài đặt cống là 24m. Qua khảo sát, ban quản lý dự án nhận thấy, nguyên nhân gây tắc nghẽn cống thoát nước chính là việc rác thải sinh hoạt của khu vực này quá nhiều, lại không được nạo vét thường xuyên nên dẫn đến tình trạng ùn ứ, nước sinh hoạt không thoát ra kênh Tham Lương được. Cũng theo ông Nghĩa, trong giai đoạn 2 của dự án cải tạo kênh Tham Lương, công trình sẽ đầu tư trạm thu gom nước thải tập trung tại khu này để kết nối với cống thoát nước của các khu dân cư khác. Hiện tại dự án đang tạm ngưng thi công. Để không còn tình trạng ùn tắc rác sinh hoạt, nước thải ở đây, ông Nghĩa kiến nghị, chính quyền địa phương và người dân hãy phối hợp cùng ban quản lý dự án chung tay nạo vét, bảo vệ, đảm bảo tiêu thoát nước, chống ngập khi mưa lớn và triều cường.

Tin cùng chuyên mục