Nhận được phản ánh của người dân qua Đường dây nóng Báo SGGP, phóng viên có mặt tại xã Quang Thọ. Từ đường Hồ Chí Minh đi vào khoảng 6km là khu tái định cư Hói Trung nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi.
Khu tái định cư gồm có 3 thôn là Kim Quang, Kim Thọ và Tùng Quang. Nhà máy nước sạch được xây dựng trên diện tích khoảng 500m2 thuộc thôn Kim Thọ, thế nhưng hệ thống máy móc, trang thiết bị, máy bơm, đường ống... đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên bị bỏ hoang lãng phí. Trong khi đó, người dân phải tự góp tiền lắp ống dẫn nước từ khe suối hoặc từ nước giếng khoan nhiễm phèn để sử dụng.
Anh Nguyễn Văn Quyết (trú thôn Kim Quang) cho biết, trước đây, người dân tại khu tái định cư Hói Trung rất phấn khởi khi được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhà máy nước sạch. Tuy nhiên, chỉ sau mấy năm, nhà máy bị hư hỏng, xuống cấp, ngừng vận hành và bỏ hoang. Gia đình anh phải mượn tạm khuôn viên đất của Trường Tiểu học Hương Quang ở đối diện nhà và đầu tư 15 triệu đồng khoan giếng sâu 28m, lắp ống dẫn hơn 100m mới có nước sử dụng, nhưng nguồn nước này cũng bị nhiễm phèn nhẹ, đục, hôi mùi bùn. “Việc thiếu nghiêm trọng nguồn nước sạch để phục vụ sinh hoạt, ăn uống hàng ngày khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước từ Khe Táy hoặc dùng nước giếng khoan nhiễm phèn, chưa qua xử lý, dù biết là sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không còn cách nào khác”, anh Nguyễn Văn Quyết lo lắng bày tỏ.
Ông Nguyễn Xuân Việt, Bí thư chi bộ thôn Kim Thọ, cho hay, toàn thôn có gần 40 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu. Sau khi nhà máy nước sạch ngưng hoạt động, để có nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, người dân đã bàn bạc với nhau thành lập từng nhóm 4-6 hộ, đóng góp mỗi hộ 6-10 triệu đồng đầu tư lắp đường ống dẫn nước từ Khe Táy và một số khe suối khác cách từ 1-1,5km về nhà nên rất tốn kém, bất tiện. Ban cán sự thôn và người dân đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất cấp trên sửa chữa, nâng cấp lại nhà máy, vừa phục vụ nguồn nước sạch đảm bảo sinh hoạt cho các thôn ở khu tái định cư, vừa không để lãng phí công trình, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả.
Theo ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã Quang Thọ, nhà máy nước sạch được xây dựng vào giai đoạn 2013-2014, với kinh phí trên 7 tỷ đồng. Ban đầu, khi khảo sát, việc xây dựng nhà máy là để cung cấp nước sạch cho trên 200 hộ dân. Sau khi hoàn thành, nhà máy đã vận hành không thu phí. Sau đó, huyện và xã hỗ trợ thêm một phần kinh phí để khắc phục các trục trặc nhỏ. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, nhà máy không thể vận hành khiến máy móc, thiết bị… hư hỏng, trong khi người dân không có nước để sử dụng. Việc sửa chữa, nâng cấp lại nhà máy cần khoảng 2 tỷ đồng, nhưng khoản tiền này ngoài tầm của ngân sách địa phương.