Hỗ trợ cho doanh nghiệp
Dự báo xu hướng phát triển của 5G tại Việt Nam và trong khu vực, ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Giải pháp di động của Nokia, nhận định, việc triển khai 5G dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, dự báo lưu lượng 5G sẽ vượt qua mức 4G ngay trong năm 2025, trở thành công nghệ thúc đẩy nền kinh tế và mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp.
“5G đang là công nghệ di động phát triển nhanh nhất hiện nay và sẽ chiếm hơn 1/2 tổng lượng dữ liệu toàn cầu vào năm 2025. 5G đã tạo ra các mô hình kinh doanh mới thông qua việc tối ưu hóa mạng lưới và cung cấp dịch vụ mới, nên các doanh nghiệp, đơn vị cần tận dụng cơ hội từ sự chuyển mình”, ông Phạm Văn Minh chia sẻ.
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom, khẳng định: “Là nhà mạng dẫn đầu, Viettel cam kết sẽ luôn tiếp tục mở rộng và nâng cấp hạ tầng 5G để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng, doanh nghiệp và xã hội. Bên cạnh đó, Viettel cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc phát triển hệ sinh thái số toàn diện và bền vững, ứng dụng công nghệ AI, IoT và Cloud vào mọi khía cạnh cuộc sống”.
Cuối tháng 12-2024, Tập đoàn VNPT tuyên bố thương mại hóa 5G. Người dùng di động ngay lập tức cảm nhận được tốc độ vượt trội của VinaPhone 5G khi trải nghiệm các dịch vụ đòi hỏi băng thông lớn, độ trễ thấp như Cloud Gaming, E-Commerce LiveStream; thực tế ảo AR/VR/XR; xem video 4K/8K/360; dùng mạng xã hội… Đặc biệt, các hộ gia đình, các doanh nghiệp có thể sử dụng thiết bị thu sóng 5G, phát Wifi trong nhà/trong văn phòng với tốc độ cao.
VinaPhone 5G đã sẵn sàng các giải pháp Private 5G Network (đáp ứng yêu cầu riêng về tốc độ, độ trễ, mật độ kết nối và giải pháp tích hợp), Network Slicing (cá thể hóa tốc độ 5G theo nhu cầu), Open RAN 5G (tích hợp các công nghệ hiện đại khác để xây dựng các giải pháp cho từng ngành) nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tạo ra các bước ngoặt đột phá trong quản trị vận hành.
Ứng dụng hữu ích cho y tế, giáo dục
Công nghệ 5G với tốc độ truyền tải dữ liệu siêu nhanh và độ trễ cực thấp hứa hẹn sẽ thay đổi cách tiếp cận của ngành y tế, mang đến những đột phá trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe. Chẳng hạn như hình ảnh chụp X-quang, MRI được truyền tải qua mạng 5G giúp các chuyên gia từ xa có thể tham gia vào quá trình chẩn đoán, nâng cao độ chính xác. Hay xe cứu thương sẽ được trang bị kết nối 5G tốc độ cao, cho phép cập nhật hồ sơ bệnh án ngay trên đường đưa người bệnh đến cơ sở y tế…
Tại sự kiện 5D Day do Viettel tổ chức tại TPHCM mới đây, giới công nghệ đã giới thiệu Hệ thống trạm khám chữa bệnh từ xa - MedStation. Hệ thống này như một ki-ốt, sẽ được đặt tại nhiều vị trí như trạm y tế, các nhà thuốc lớn..., nhằm khắc phục tình trạng thiếu dịch vụ khám chữa bệnh. Ki-ốt này được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ chẩn đoán và kết nối trực tiếp qua 5G, bao gồm videocall, thiết bị đo chỉ số sinh tồn (như huyết áp và nhịp tim), các thiết bị chẩn đoán hình ảnh khác.
“Sự khác biệt lớn nhất là khả năng kết nối nhiều thiết bị cùng một lúc với tốc độ nhanh gấp 10 lần so với 4G. Điều này cho phép các thiết bị theo dõi sức khỏe hoạt động một cách hiệu quả nhất, giúp quản lý hệ thống y tế theo mô hình phi tập trung. Nhờ đó, trải nghiệm người dùng được nâng cao cũng như cải thiện khả năng chăm sóc sức khỏe từ xa của người bệnh”, ông Bùi Lê Hà, Giám đốc điều hành Công ty CP Công nghệ và Y tế số MedOne, thuộc Hệ thống Y tế Medlatec, cho biết.
Việc ứng dụng 5G trong giáo dục cũng hứa hẹn mang đến những đột phá trong phương pháp dạy và học. Với 5G, việc xây dựng thư viện số trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, học sinh có thể truy cập vào một kho tàng kiến thức khổng lồ (bao gồm sách, bài báo, video, âm thanh...) chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
Các công cụ tìm kiếm thông minh giúp học sinh tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và chính xác. 5G cũng mở ra khả năng thực hiện các thí nghiệm khoa học ảo, giúp học sinh trực tiếp quan sát và tương tác với các hiện tượng khoa học một cách an toàn và hiệu quả…
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đối số TPHCM, việc thương mại hóa dịch vụ 5G sẽ là cú hích mạnh mẽ cho nền kinh tế số, giúp thúc đẩy các dịch vụ hành chính công và hoạt động của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực.
Với việc triển khai mạng 5G siêu tốc và độ trễ thấp, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025, có 90% hộ dân sử dụng Internet băng rộng; TPHCM khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng số và cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin trong các lĩnh vực như y tế và giáo dục.