Ca khúc There's no one at all do chính Sơn Tùng sáng tác, thực hiện phần hòa âm phối khí và là một ca khúc bằng tiếng Anh đúng như những gì ca sĩ chia sẻ trước ngày ra mắt.
Riêng nội dung MV, Sơn Tùng vào vai một cậu bé kém may mắn, là trẻ mồ côi được nuôi trong cô nhi viện. Rồi khi lớn lên, chàng thanh niên không có một người thân bên cạnh, không có một ai yêu thương, dần trở thành kẻ lang thang, lêu lổng, thường xuyên gây rối nơi công cộng. Trong MV có cảnh Sơn Tùng đương đầu với tất cả, bị đánh đập, xa lánh, đuổi bắt… Chàng trai trẻ rơi vào trầm cảm, sống không mục đích cùng nội tâm phức tạp. MV kết thúc với hình ảnh nam chính tự tử bằng cách nhảy lầu ám ảnh.
Bên cạnh việc không ít khán giả lên tiếng Sơn Tùng hát tiếng Anh khó hiểu dù âm nhạc khá bắt tai, thu hút giới trẻ… thì hình ảnh nhảy lầu khi kết thúc MV đã biến MV này trở thành sản phẩm âm nhạc tiêu cực nhất từ trước tới giờ của Sơn Tùng và của làng nhạc Việt trong năm 2022.
Rõ ràng Sơn Tùng là “thần tượng” của rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt các bạn nhỏ gen Z đang trong tuổi lớn với nhiều thay đổi tâm sinh lý. Giữa hàng loạt vụ việc người trẻ trầm cảm tự tử bằng cách nhảy lầu như hiệu ứng cánh bướm gần đây thì MV mới của Sơn Tùng có cảnh nhảy lầu kết thúc cuộc đời đang mang lại nguồn năng lượng vô cùng tiêu cực.
Khán giả Trần Thị Khánh Huyền (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cho rằng MV quá độc hại và chị không thể xem lại lần hai. “Không có một điều tích cực nào được truyền đạt từ MV này hết! Mọi thứ u ám, từ hình ảnh em bé bị bỏ rơi ở đầu MV, những cảnh bạo lực, gây rối đến hình ảnh chàng thanh niên thả mình kết thúc cuộc đời từ tầng lầu cao xuống. Có thể MV sẽ mang lại cho những người hoàn cảnh tương tự sự đồng cảm, nhưng tại sao lại để một cái kết tàn nhẫn thế hả Sơn Tùng? Người bình thường xem xong còn cảm thấy sợ, khựng lại thì bao người trẻ đang trầm cảm, tâm lý không cân bằng xem xong sẽ ra sao? Trường hợp các bạn trẻ có xu hướng “bắt chước” thần tượng diễn ra nhiều lắm rồi!”, chị Huyền bức xúc nói.
Khán giả Nguyễn Minh Mẫn (29 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) lên tiếng: “Mình xem MV và tự hỏi điều truyền tải trong MV rằng là khi không có ai bên cạnh, khi cô đơn, cách người ta có thể làm chỉ là kết thúc cuộc đời đáng tiếc đến vậy sao? Thông điệp này quá vô nghĩa, quá nhạy cảm và dễ ảnh hưởng xấu đến nhiều bạn trẻ. Thời gian qua chúng ta chứng kiến rất nhiều vụ tự tử của các bạn trẻ và vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Thật sự quan ngại cách làm sản phẩm âm nhạc vô tình hay cố ý cổ suý cho khán giả tư tưởng như vậy của Sơn Tùng. Ý thức được độ nổi tiếng của mình thì làm ơn suy nghĩ khi ra tác phẩm!”.
Khán giả Nguyễn Thị Cẩm Vân (31 tuổi, ngụ phường Tăng Nhơn Phú B, Thành phố Thủ Đức) nói thẳng: “Đầu năm giờ biết bao vụ trẻ tự tử, dần thành hiệu ứng domino, cứ vài ba hôm là có tin nhảy lầu. Rồi bây giờ đến cả người nổi tiếng cũng ra những MV tiêu cực như thế, rồi bọn nhỏ xem sẽ như thế nào? Đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông xem xét gỡ MV xuống!”.
Sơn Tùng là một trong những ca sĩ có lượng người hâm mộ trẻ đông đảo. Vì thế việc phát hành một MV tiêu cực, vô cùng thiếu trách nhiệm như There's no one at all là điều đáng bàn, cần lên tiếng.
Nếu muốn làm một sản phẩm âm nhạc chia sẻ với những người trẻ đang tuyệt vọng giữa vòng xoáy cuộc sống thì hãy nghiêm túc tìm cách chia sẻ đúng đắn, lan truyền điều đó với hy vọng có nhiều sự trợ giúp tích cực hơn chứ không phải là làm một MV tăm tối mà tưởng hay ho, độc đáo. Là người nổi tiếng có sức ảnh hưởng, không gửi được thông điệp ý nghĩa thì đừng gây ảnh hưởng đến cách hàng xử của người trẻ bằng sản phẩm thiếu trách nhiệm như thế!