Sơn mài không xưa cũ

Sơn mài, chất liệu hội họa truyền thống của Việt Nam khá kén người sáng tác lẫn khán giả cảm thụ. Nhiều người vẫn cho rằng dòng tranh này có phổ màu hạn chế, chủ yếu với đỏ và vàng, chỉ phù hợp với những hình ảnh xưa, cũ như đình đền, hồ sen, lũy tre…
Họa sĩ Phạm Khắc Thắng (đứng) trao đổi cùng học viên tại Dragon Sigma
Họa sĩ Phạm Khắc Thắng (đứng) trao đổi cùng học viên tại Dragon Sigma

Xuất phát từ mong muốn gỡ bỏ suy nghĩ này, họa sĩ Phạm Khắc Thắng bắt đầu tạo dựng lớp học Dragon Sigma (quận Đống Đa, Hà Nội) - một không gian chung để học tập và trải nghiệm với sơn mài.

Gần 10 năm gắn bó với sơn mài, họa sĩ Phạm Khắc Thắng chia sẻ: “Niềm yêu thích sơn mài bắt đầu từ việc tôi có thể tái sử dụng các nguyên liệu như vỏ trứng, vỏ trai, những vật quen thuộc lại trở thành chất liệu nghệ thuật, góp phần bảo vệ môi trường. Đi sâu hơn, tôi nhận ra thực hành với sơn mài đòi hỏi nhiều kiên nhẫn, nên dần biết cách tiết chế sự nóng vội của chính mình. Ngoài ra, tinh thần truyền thống mang tính bản địa là một nét đẹp của tranh sơn mài, trong khi nhu cầu làm mới để thích nghi với các yêu cầu mang tính hiện đại, thách thức, kích thích sáng tạo cao”.

Hiện tại, vẫn có nhiều người nhận định rằng sơn mài giới hạn khả năng tả thực cũng như hiện thực hóa ý tưởng. Không lạc vào lối mòn này, họa sĩ Phạm Khắc Thắng là người đầu tiên kết hợp công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) với tranh sơn mài qua bộ “Nàng thơ”. Thực hành của anh thường sử dụng phổ màu tươi sáng, hình ảnh táo bạo, mang hơi thở đương đại, lấy cảm hứng từ Pop Art - những đặc điểm hiếm ai nghĩ khi nhắc đến sơn mài.

Thành lập Dragon Sigma - nơi tổ chức các khóa học về sơn mài cho bất kỳ ai có hứng thú, họa sĩ Phạm Khắc Thắng mong có thể tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ. Ở những khóa đầu, do quen với nếp nghĩ tranh sơn mài chỉ quanh quẩn với các hình ảnh xưa cũ, sử dụng ít màu, các bạn học viên rất e dè khi đưa ra ý tưởng. Sau khi họa sĩ trao đổi giúp mọi người có cảm giác với chất liệu, “thả lỏng” những định kiến bó hẹp tưởng tượng của bản thân, những bức tranh đậm tính cá nhân hơn dần được ra đời. Với tinh thần chia sẻ là chính được Phạm Khắc Thắng chú trọng ngay từ đầu, lớp học sơn mài Dragon Sigma không gò bó ý tưởng và tôn trọng tính bản sắc trong câu chuyện mỗi người thổi vào tác phẩm của mình.

Dòng chảy nghệ thuật đương đại không ngừng biến đổi và tiếp thu nhiều xu hướng, chất liệu sáng tạo mới. Để hài hòa giá trị nghệ thuật truyền thống cùng những chất liệu, xu hướng là một nỗ lực đáng ghi nhận của lớp nghệ sĩ trẻ như họa sĩ Phạm Khắc Thắng.

“Tôi đặc biệt quan tâm đến việc áp dụng công nghệ vào thực hành của mình. Ngoài thưởng tranh như bình thường, tôi mong muốn mang lại trải nghiệm phong phú hơn cho người xem. Sử dụng công nghệ AR để tranh có tính chuyển động, có âm thanh sẽ sống động hơn nhiều và có thể tạo hứng thú cho các bạn trẻ”, họa sĩ Phạm Khắc Thắng bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục