Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, các vị trí sạt lở trên đèo Bảo Lộc có nguy cơ tiếp tục diễn ra, gây mất an toàn giao thông. Do đó, cần sớm triển khai xử lý các điểm sạt lở. Qua rà soát, cơ quan chức năng xác định 12 điểm sạt lở cần xử lý.
Trước đó, tháng 8-2023, Bộ GTVT đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên một số tuyến đường giao thông, trong đó, có khắc phục sạt lở taluy dương trên tuyến quốc lộ 20 tại Km103+100 (nơi xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng làm 4 người chết).
* Ngày 1-3, ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) cho biết, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN của huyện đang phối hợp với cơ quan chức năng, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý tình trạng nứt đồi Nhà Lá (xã Đồng Lương và Tân Phúc).
Từ ngày 28-2, nhiều vết nứt lớn, kéo dài xuất hiện tại đồi Nhà Lá, thuộc quốc lộ 15A. Qua khảo sát ban đầu cho thấy, ngoài nhiều vết nứt nhỏ có một vết nứt lớn với chiều dài khoảng 80m, rộng từ 1m đến 1,5m, độ sâu có nơi đến 5m. Tại phần ta luy dương, các vết nứt rộng khoảng 1m với nhiều khối đất, đá nhô ra, có thể sạt lở xuống đường bất cứ lúc nào.
Trước tình hình này, huyện Lang Chánh đã di dời khẩn cấp 1 hộ dân thôn Tân Tiến (xã Tân Phúc), cắm biển cảnh báo trên quốc lộ 15A, phía 2 đầu chân dốc Sáp Ong… Huyện Lang Chánh cũng đã thông báo cho đơn vị quản lý tuyến quốc lộ 15A để có biện pháp xử lý, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.