Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2022, Ủy ban chuyển đổi số quốc gia đã xác định là năm “Đưa người dân lên nền tảng số”, đến năm 2023 là “Năm dữ liệu số quốc gia”.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu |
Thứ trưởng Bộ TT-TT cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của dữ liệu số, nền tảng số trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước. Khẳng định, 2 thành tố này rất quan trọng có mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời trong chuyển đối số đất nước.
"Nền tảng số là để cung cấp công nghệ số như là một dịch vụ; công nghệ số lúc đó cũng như điện, nước. Nền tảng số cũng như điện lưới, như nước máy mà ai cũng có thể sử dụng với giá rẻ, dùng đến đâu trả tiền đến đó", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết.
Qua hội thảo, lãnh đạo Bộ TT-TT kêu gọi các địa phương, trong đó có tỉnh Bình Định tiên phong phát triển xã hội số, với 8 yếu tố đặc trưng là: mỗi hộ gia đình là một đường cáp quang băng rộng, mỗi người dân là một điện thoại thông minh, một danh tính số, một chữ ký số, một tài khoản thanh toán số, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến, một phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng cơ bản và kỹ năng số cơ bản.
Các đại biểu tham gia hội thảo |
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, đại diện về công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã nêu lên nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số về hạ tầng, pháp lý sử dụng dữ liệu số và độ tin cậy dữ liệu; các cơ sở dữ liệu nền tảng chậm triển khai; các dữ liệu điện tử hiện chủ yếu là dữ liệu thô và vẫn còn rời rạc, phân tán, trùng lắp, thiếu đồng bộ; tính sẵn sàng, khả năng kết nối và độ mở dữ liệu còn rất thấp; thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn…
Lãnh đạo Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ TT-TT) cũng đã có tham luận về thực trạng, tình hình cùng những vướng mắc và đưa ra giải pháp để các địa phương, doanh nghiệp tham vấn. Lãnh đạo cục này cho rằng, nhiệm vụ trước mắt cần phải phát triển các kho dữ liệu điện tử dùng chung quốc gia.
Nhiều tập đoàn công nghệ, viễn thông triển lãm sản phẩm tại hội thảo |
Tại hội thảo, đại diện các tập đoàn viễn thông, công nghệ tiêu biểu của Việt Nam và các địa phương cũng trình bày gần 30 tham luận về mô hình, giải pháp và kinh nghiệm nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin, truyền thông, chuyển đổi số, nền tảng kết nối dữ liệu số...
Các địa phương, doanh nghiệp ký kết ghi nhớ hợp tác tại hội thảo |
Bình Định sẽ trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo
Trao quyết định kết nạp Trung tâm CNTT-TT tỉnh Bình Định là thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung |
Tại Bình Định, FPT đồng hành thúc đẩy chuyển đổi số tổng thể và toàn diện cho tỉnh trên cả ba trụ cột: Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số. FPT đang phấn đấu xây dựng đội ngũ 2.500 nhân sự làm việc trực tiếp tại Bình Định vào năm 2025 và đầu tư hàng ngàn tỷ đồng triển khai các cơ sở đào tạo.
Đơn vị này cho biết, sẽ phối hợp với địa phương để xây dựng tổ hợp trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ và trung tâm trí tuệ nhân tạo để đưa Bình Định trở thành Trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam và khu vực.
Tại hội thảo, Ban tổ chức cũng công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc kết nạp Trung tâm CNTT-TT tỉnh Bình Định là thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.