Ngày 15-6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận trên hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội được cử tri quan tâm.
Nhắc đến công tác phòng chống dịch Covid-19, nhiều ý kiến tập trung “hiến kế” cho đất nước phục hồi sau đại dịch. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, do có chính sách chỉ đạo chung sớm, kịp thời, Việt Nam đã kiểm soát rất tốt đại dịch. Tổng số người nhiễm ở Việt Nam chưa bao giờ đạt 1.000 người. Đến nay là 332 người, thấp hơn nhiều mốc 1.000 so với lúc thế giới công bố dịch.
Lưu ý rằng Việt Nam có quan hệ kinh tế với nhiều nước, nhưng chỉ có 17 nền kinh tế có quan hệ đối tác quan trọng nhất, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “17 nước này quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch đến Việt Nam nên đề nghị cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nước này theo lộ trình, thỏa thuận hai bên”.
Vẫn theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, 10/17 nền kinh tế này sẽ không còn dịch ở tiêu chí dưới 10 người đang điều trị trên 1 triệu dân, trong đó có: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Công, Đức, Australia… Việt Nam cần sớm xác lập cụ thể lộ trình mở cửa với 10 nền kinh tế này.
Đối với 7 nền kinh tế còn lại chưa đến độ an toàn như Ấn Độ, Mỹ, Singapore… thì cần theo dõi để khi họ có điều kiện thì thiết lập ngay.
Một vấn đề Việt Nam cần quan tâm, đó là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay nhiều khả năng giảm 30% so với năm ngoái, thương mại quốc tế giảm 15% và du lịch giảm 50%. "Chúng ta cần tính tới các dự báo này để có điều chỉnh phù hợp", đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Trên cơ sở phân tích rất chi tiết về chiến lược phòng chống dịch của các quốc gia trên toàn cầu, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, có thể rút ra 4 giải pháp quan trọng. Đó là phải đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, rửa tay sát trùng và phải thực hiện cách ly triệt để. Tại Việt Nam, do có chính sách chỉ đạo chung sớm, kịp thời, chúng ta đã kiểm soát rất tốt đại dịch.
Xét trên 3 tiêu chí (tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân; tỷ lệ người đang điều trị; số người tử vong), Việt Nam có thể công bố hết dịch ở trong nước.
Cụ thể, tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 5 người (hiện ta chỉ có 3,1 người nhiễm/1 triệu dân); hai là tỷ lệ người đang điều trị không quá 1 người trên 1 triệu dân (thực tế chỉ có 0,2 người); và thứ ba là không có người chết.
“Chúng ta cần có lộ trình mở cửa từng bước, có mức độ với các nước để có thể vừa khai thác thị trường đầu tư nước ngoài, đồng thời khuyến khích khai thác thị trường và đầu tư trong nước, phát huy 3 sức mạnh của Việt Nam là sức mạnh văn hóa, chính trị và kinh tế”, Bí thư Thành ủy TPHCM nhận định. |
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam có quan hệ kinh tế với nhiều nước, trong đó có 17 nước có quan hệ đối tác quan trọng nhất, quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch đến Việt Nam. Từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, 10/17 nền kinh tế này (trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Australia…) sẽ không còn dịch ở tiêu chí dưới 10 người đang điều trị trên 1 triệu dân. Việt Nam cần sớm xác định lộ trình cụ thể để mở cửa với 10 nền kinh tế này. 7 nước còn lại chưa đến độ an toàn như Ấn Độ, Mỹ, Singapore… thì ta phải theo dõi để khi họ có điều kiện thì thiết lập ngay.
Tuy nhiên, một vấn đề Việt Nam rất cần quan tâm, đó là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay nhiều khả năng giảm 30% so với năm ngoái, thương mại quốc tế giảm 15% và du lịch giảm 50%; cần tính tới các dự báo này để có điều chỉnh phù hợp.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Việt Nam có thể và cần lập trình quá trình mở lại nền kinh tế, chủ động bảo vệ năng lực sản xuất kinh doanh trong nước, phát huy động lực kép và sức mạnh của dân tộc Việt Nam để phát triển kinh tế, ổn định xã hội”.
Với quan điểm thận trọng của một người công tác trong ngành Y, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (ĐBQH tỉnh An Giang, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y) cho rằng cần hết sức cẩn trọng, vì chúng ta vẫn đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch, làn sóng thứ hai vẫn lơ lửng trên đầu rất nhiều nước, trong đó có nước ta.
“Các nhà đầu tư vẫn lo lắng Việt Nam chưa có môi trường an toàn trong tương lai gần, bằng chứng là thị trường chứng khoán chưa khởi sắc”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nhận định.
Ông Nguyễn Lân Hiếu cũng đề cập vai trò của hệ thống y tế công cộng. Đây là hệ thống đã phát huy hiệu quả trong đợt dịch vừa qua, nhưng đang có nguy cơ suy yếu không được đầu tư. Ví dụ trong chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư y tế chỉ chiếm 3% trong tổng số 270.000 tỷ.
Đại biểu nhấn mạnh, nâng cao chất lượng nhân viên y tế là nhu cầu cấp bách, cần có chiến lược đầu tư cho y tế để khi đối mặt với dịch bệnh thì Việt Nam mới có thể có điểm sáng trên bản đồ thế giới.