Châu Hương Viên là nơi danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình (1877-1961), một nhà thơ nổi tiếng của xứ Huế và là người có công lao to lớn trong việc hình thành, phát triển ca Huế thính phòng từng sinh sống (tại địa chỉ kiệt 355 đường Nguyễn Sinh Cung, TP Huế). Châu Hương Viên là địa chỉ văn hóa truyền thống, vốn là thi đàn của “Hương Bình thi xã”.
Theo những người lớn tuổi tại phường Vĩ Dạ, TP Huế thì Châu Hương Viên vốn là khu nhà vườn rộng lớn khoảng 1 ha, có một ngôi nhà rường cổ làm bằng gỗ ba gian, hai chái với hai lớp cửa gỗ và cửa gương. Bên phải ngôi nhà có một căn nhà ngang nhiều cửa hướng Đông để đón mặt trời mọc và một khu vườn rộng với hàng trăm loại cây trái tự nhiên.
Phía trước nay là đường Nguyễn Sinh Cung có xây một cái cổng, trên đúc ba chữ Châu Hương Viên, hai bên có câu đối: “Khoái mã trường chu đông tây đắc lộ/Hầu môn cự thất tả hữu vi lân”. Đây là “đình hưu” duy nhất – nơi cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sống trọn cuộc đời với thi ca sau khi rời quan trường.
Trải qua tác động của chiến tranh và sức ép gia tăng dân số, Châu Hương Viên bị xâm hại, trở thành bến tắm giặt của người dân xung quanh dọc sông Hương. Đặc biệt, từ năm 1961, khi cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị qua đời, Châu Hương Viên được giao lại cho con cái gìn giữ, quản lý. Tuy nhiên, năm 1968, những người con của cụ chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và kể từ đó, khuôn viên ngôi nhà không được trông coi và dần trở nên hoang tàn theo thời gian.
Châu Hương Viên vốn là địa chỉ văn hóa, được tổ chức các hoạt động nghệ thuật ngâm thơ, biểu diễn ca Huế thính phòng dưới thời cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị còn sống. Trải qua nhiều biến cố thời gian lịch sử và tác động của thời tiết, sự xuống cấp của khu nhà khiến các nghệ sĩ ca Huế tìm về đây để tưởng nhớ cụ không khỏi chạnh lòng, đau xót.
Hiện Châu Hương Viên chỉ còn duy nhất một ngôi nhà rường cổ ba gian, hai chái bị xuống cấp và một bức bình phong phía trước cách ngôi nhà khoảng 10m. Cụ thể, phần mái lợp ngôi nhà rường cổ được lợp bằng ngói đã bị vỡ nát 1/3, trong đó, gian bên phải ngôi nhà đã bị cây cối và gió bão đánh sập. Riêng phần hiên phía trước tính từ nền nhà ra phía hiên rộng khoảng 12m² đã bị người dân xung quanh tận dụng làm nơi chứa đựng củi gỗ và vật liệu xây dựng.
Tiến vào bên trong chúng tôi nhận thấy, ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc nhà rường Huế dài khoảng 15m, rộng 9m, cao 5m, phân làm 3 gian 2 chái có đến 50 cù, kèo 3 loại. Cửa 4 mặt có hành lang bao quanh và cửa, trần nhà được chạm trổ rất công phu tạo nên những mặt gỗ tinh vi, sắc sảo. Mỗi đòn, kèo, cột, trần trong nhà thật sự là một bức họa nổi với hoa văn trang trí đa dạng, bao gồm: tứ linh, bát bửu, mai - điểu - trúc - tước, ngô đồng - phụng, liễu - mã, liên - áp, nho - sóc, lựu -thử... Tuy nhiên, những hạng mục này đến nay đều đã bị xuống cấp khi cửa, đòn, kèo, cột được làm bằng gỗ đã bị mối tấn công và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Đồ đạc bên trong ngôi nhà chỉ còn vẻn vẹn một chiếc bàn gỗ kê bát hương. Bức bình phong nằm cách trước mặt ngôi nhà khoảng 10m còn nguyên vẹn.
Sau khi kiểm tra và thắp hương cho danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan cần xác định lại cụ thể và chính xác diện tích Châu Hương Viên; nghiên cứu, khảo sát, đánh giá lại toàn bộ công trình để sớm có phương án trùng tu phù hợp để “cứu” lấy một địa chỉ văn hóa bị xuống cấp.
Ưng Bình Thúc Giạ Thị tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình, là cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh. Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, năm 1909 ông thi đỗ cử nhân Hán học và được bổ nhiệm các chức Tri huyện, Tri phủ, rồi Bố chánh Hà Tĩnh. Năm 67 tuổi, ông được phong Hiệp tá Đại học sĩ. Ưng Bình Thúc Giạ Thị được nhiều người yêu mến bởi tài thơ, bởi tính khiêm cung, bình dị… Một đời ông, dù là hoàng phái, dù từng làm quan cao, nhưng vẫn chủ trương sống thanh đạm, giữ lấy cái tâm thuần chất không nhuốm tục luỵ, lòng vẫn hướng về cái đẹp, và yêu Huế thì đến tận cùng gan ruột. Ông đã để lại gần 2.000 bài thơ chữ Việt và Hán cùng nhiều vở tuồng nổi tiếng và là người sáng tác nhiều lời cho các bài bản ca Huế. |