Sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo bộ ngành liên tiếp tới nhiều địa phương mà gần đây nhất là làm việc với lãnh đạo TPHCM bàn cách tháo gỡ khó khăn chung cho thành phố, đã làm cho nhiều doanh nhân cảm thấy “như được tiếp sức” hơn trong công việc. Điều này chứng tỏ những kiến nghị, đề xuất của họ đã được lắng nghe và đang được Chính phủ, TPHCM và các địa phương tháo gỡ.
Nhưng vui mà vẫn còn lo! Bởi, từ lâu nay, trong khi sự chuyển bộ của các lãnh đạo cấp cao rất nhanh, quyết liệt thì sự thay đổi của không ít cán bộ cấp dưới lại chậm, nhất là nhiều cán bộ có tâm lý co cụm, sợ trách nhiệm, không làm, không tham mưu, “đá” công việc từ cơ quan này sang cơ quan khác. Ví dụ, một hội doanh nghiệp tổ chức đại hội thành lập lại trên cơ sở hợp nhất nhiều hội thành viên khác mà chỉ riêng việc xin xác nhận trụ sở để có cơ sở làm con dấu hoạt động cũng... mất gần 8 tháng chưa xong. Hồ sơ của hội được chuyển từ sở này qua sở khác, không rõ “số phận” thế nào! Hay như việc hoàn thuế của doanh nghiệp mới đây (Báo SGGP ngày 13-4-2023 phản ánh), theo quy định, chỉ 40 ngày kể từ khi nộp đủ hồ sơ là được hoàn thuế giá trị gia tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp phải chờ hơn 2 năm chưa được hoàn thuế, khiến không ít đơn vị ngưng trệ sản xuất.
Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như thế tác động rất lớn đến đời sống xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trên thực tế, những cán bộ “ở bên dưới” là những người trực tiếp tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp, những chủ trương đúng đắn, kịp thời đến với doanh nghiệp nhanh hay không, phụ thuộc vào các cán bộ này. Nhận diện rõ thực trạng trên nên Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo. TPHCM đã lên kế hoạch động viên cũng như cam kết sẽ xử lý nghiêm những cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc cho người khác. Tất nhiên, phải có thời gian để đánh giá hiệu quả của những giải pháp này, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn tỏ ra lo lắng vì suy cho cùng, nhiều vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải cần được các cán bộ sở, ngành chức năng tháo gỡ lại ở tầm… luật. Chưa kể, ranh giới giữa “sáng tạo, đột phá” với “làm sai quy định của pháp luật” trong nhiều trường hợp rất khó phân định.
Đối với TPHCM, để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, các sở, ngành có thể ngồi cùng các bộ ngành trung ương rà từng vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc. Các bên có thể bàn bạc và thống nhất đưa ra giải pháp xử lý từng vấn đề cụ thể. Nội dung các cuộc họp này sẽ là căn cứ để khi cần có thể là bằng chứng lý giải cho các quyết định này về sau. Việc “cùng ngồi” với nhau đặc biệt quan trọng khi nhiều vụ việc mà các sở ngành lúng túng chưa biết xử lý ra sao, còn nhiều bộ ngành trung ương lại cho rằng không thuộc thẩm quyền của mình. Chỉ khi cán bộ, công chức cảm thấy được an tâm làm việc thì công việc mới chạy nhanh. TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5%-8% trong năm 2023. Với mức tăng trưởng thấp của quý 1, để đạt được mục tiêu của cả năm, tất nhiên thành phố sẽ phải nỗ lực vượt bậc, trong đó sự tham gia, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của các bộ ngành trung ương là rất quan trọng. Những bất cập, chồng chéo trong nhiều quy định pháp luật hiện nay đang như sợi dây buộc, kềm hãm hoạt động của nền kinh tế. Do đó, một trong những giải pháp cho vấn đề này, là sớm “tháo dây buộc mình”.