Chiếm tỷ lệ cao số vụ cháy và thiệt hại
Theo số liệu thống kê của Công an TPHCM về tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố, trong năm 2019 đã xảy ra 311 vụ cháy khiến 8 người chết, 11 người bị thương; thiệt hại tài sản là 10,7 tỷ đồng. Trong đó, cháy nhà ở và hộ gia đình kết hợp kinh doanh chiếm đến 137 vụ (tỷ lệ 44,05%), khiến 11 người chết, 11 người bị thương. Đáng chú ý là các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, như: vụ cháy ngày 2-2 (tại nhà số 269/4 đường 269, tổ 2, ấp 2, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi) làm 2 người chết; vụ cháy ngày 31-3 (tại số 205 đường TMT 5, phường Trung Mỹ Tây, quận 12) làm 1 người chết; vụ cháy ngày 26-7 (nhà số 9/27 tổ 49 đường TTN 11, phường Tân Thới Nhất, quận 12) làm 2 người chết; và vụ việc mới nhất ở quận 7 làm 3 người chết như nêu trên.
Những con số trên cho thấy tình hình cháy, nổ ở nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao cả về số vụ và thiệt hại về người, tài sản. Các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm, trong thời gian đi ngủ, người dân thường chủ quan trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt như thắp nhang, sử dụng thiết bị điện trong gia đình, khi phát sinh sự cố cháy không kịp xử lý dẫn đến cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại đến tính mạng. Nguyên nhân xảy ra cháy do sự cố về điện vẫn chiếm tỷ lệ cao, phổ biến là do chủ cơ sở và chủ hộ gia đình vi phạm các quy định an toàn trong việc lắp đặt, sử dụng hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện một cách tùy tiện, không kiểm soát mức độ an toàn của các thiết bị điện cũng như dây dẫn điện một cách thường xuyên. Có những hệ thống dây dẫn được lắp đặt hàng chục năm, thậm chí từ trước năm 1975 đến nay vẫn không được thay mới, làm phát sinh sự cố gây cháy.
Qua số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn TPHCM có gần 2 triệu hộ gia đình, trong đó có trên 300.000 hộ gia đình kết hợp nhà ở với kinh doanh, dịch vụ; có 397.000 cơ sở kinh doanh sản xuất, trong đó có gần 28.700 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Đây cũng là những đối tượng mà trong quá trình hoạt động kinh doanh, sử dụng luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Đặc biệt là các nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh trong các khu dân cư, khu phố chợ.
Qua điều tra về các vụ cháy, nổ ở khu dân cư trong thời gian qua, Công an TPHCM nhận thấy có 3 nhóm nguyên nhân chính. Đó là: Ý thức chấp hành về quy định an toàn PCCC của chủ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh còn hạn chế; Người dân còn xem nhẹ công tác an toàn cho chính bản thân và gia đình; Vi phạm các quy định an toàn trong việc sử dụng điện, sử dụng các thiết bị điện kém chất lượng.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC đối với các nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, thuộc về UBND các cấp. Tuy nhiên, trong thực tế, việc quản lý nhà nước trong PCCC và hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC đối với các đối tượng này của UBND các cấp còn buông lỏng, chưa được chú trọng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành PCCC, đây là bất cập lớn nhất trong nhiều năm qua. Việc buông lỏng quản lý nhà nước về PCCC đã dẫn tới nguy cơ cháy, nổ cao tại các khu dân cư như thời gian vừa qua. |
Sớm tháo gỡ những bất cập, khó khăn
Loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh tại các nước rất được chính quyền quan tâm và được luật hóa, nên việc lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị PCCC là điều bắt buộc. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn chưa được quy định rõ ràng, chưa được luật hóa, nên các hộ gia đình vừa ở vừa kết hợp kinh doanh chưa chú trọng việc này. Cụ thể, hạn chế trong công tác PCCC là do chưa đưa ra được quy định điều chỉnh đối với các đối tượng nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, chưa bắt buộc áp dụng thực hiện. Điều này gây khó khăn trong việc quản lý của lực lượng chức năng. Đáng chú ý, một số quy định trong quy chuẩn xây dựng, trong các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn PCCC liên quan đến các đối tượng này không phù hợp với thực tế nhưng chưa được chỉnh lý, sửa đổi kịp thời, gây khó khăn cho việc quản lý và thực hiện. Chưa có các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể quy định áp dụng thực hiện đối với các đối tượng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Chưa có các tiêu chí cụ thể về an toàn PCCC, cũng như chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về điều kiện an toàn PCCC (như kiến trúc, xây dựng, trang bị các thiết bị, phương tiện, dụng cụ PCCC) cho đối tượng này...
Đặc điểm chủ yếu của loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh là xây dựng tự do, không theo quy hoạch, phân bổ ở các quận nội đô, xung quanh các chợ, tuyến phố và chủ yếu kinh doanh các loại vật liệu dễ cháy như quần áo, giày dép, vàng mã... Nhà xây dựng hình ống liền kề, san sát nhau không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan. Đặc biệt là không có giải pháp chống tụ khói, dẫn đến khi có cháy xảy ra, ngoài gây thiệt hại lớn về tài sản còn gây thiệt hại nghiêm trọng về người do nạn nhân không thể thoát nạn được và bị chết ngạt do thiếu ôxy, bị nhiễm độc của sản phẩm cháy. Điều kiện sản xuất, kinh doanh, ăn ở và sinh hoạt chật hẹp; nơi đun nấu, thờ cúng gần sát các vật liệu dễ cháy; cộng thêm vào đó là người đông, lao động phổ thông, ý thức chấp hành các quy định về PCCC còn thấp dẫn đến tình trạng vi phạm gây mất an toàn phòng cháy và chữa cháy. Để đảm bảo an ninh, bảo vệ tài sản, chủ hộ thường bố trí nhiều lớp cửa bảo vệ kiên cố; lắp đặt, gia cố các lồng sắt bảo vệ, lắp đặt bảng quảng cáo che kín ban công, mặt tiền nhà. Do vậy, khi có sự cố về cháy, nổ xảy ra thì không thể thoát nạn nhanh chóng, kịp thời và gây nhiều khó khăn cho việc tiếp cận chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ…
Trước thực tế còn nhiều bất cập nói trên, Bộ Công an cần sớm rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực PCCC; sửa đổi bổ sung các chính sách, quy định liên quan đến công tác PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh tại đô thị sát, phù hợp nhất với điều kiện thành phố. Hướng dẫn thực hiện công tác PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế. Ngoài ra, trên địa bàn TPHCM còn tồn tại dạng nhà ở và sản xuất kinh doanh trong nhà ở, có những đặc điểm riêng mang tính đăc thù. Vì vậy, việc ban hành một hướng dẫn riêng quy định về an toàn về PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn thành phố là hết sức cần thiết và cấp bách.
Ý thức tự giác chấp hành các quy định về PCCC của một bộ phận người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình chưa cao, chưa thực hiện trách nhiệm đối với công tác PCCC, chưa tổ chức thực hiện các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013 một cách hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC tại khu dân cư còn nhiều khó khăn và chưa hiệu quả, chưa đều, chưa rộng khắp. Đối tượng là học sinh phổ thông, học viên, sinh viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố; đối tượng là chị em phụ nữ tiểu thương kinh doanh tại các quầy hàng trong chợ, trung tâm thương mại chưa được tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC một cách rộng rãi. Đây cũng chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến một bộ phận không nhỏ người dân trong cộng đồng dân cư còn thiếu ý thức trách nhiệm trong công tác đảm bảo an toàn PCCC, thiếu các kiến thức pháp luật về PCCC, đồng thời thiếu cả các kỹ năng, kiến thức cơ bản về PCCC để bảo vệ cho bản thân, gia đình và xã hội. (Trích Báo cáo công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn TPHCM) |