Sớm lành mạnh hóa thị trường dược phẩm

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM vừa thực hiện chuỗi khảo sát về công tác quản lý kinh doanh dược và việc sử dụng thuốc ở các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Thảo luận tại các buổi làm việc, nhiều đại biểu cho rằng còn nhiều bất cập trong công tác kiểm tra, giám sát về thuốc và nhất là công tác kiểm soát giá thuốc vẫn chưa sát sao và đi đúng quỹ đạo. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan

Quản lý, xử lý không xuể

PHÓNG VIÊN: Cuối tuần qua, Báo SGGP có đăng tải bài viết “Loạn thực phẩm chức năng xách tay - người dùng lãnh đủ”, phản ánh thực trạng người tiêu dùng đang “cuồng tín” các sản phẩm này. Bà nhận định sao về vấn đề này?

* PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Tôi hoàn toàn đồng ý với phản ánh của Báo SGGP. Những năm gần đây việc sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) bùng nổ; nhiều doanh nghiệp tăng cường sản xuất, nhập khẩu, phân phối... Tuy nhiên, theo quy định, TPCN phải được sản xuất (hoặc nhập khẩu) trong dây chuyền đạt chuẩn thực hành sản xuất tốt (GPM). Có sản phẩm mang tiếng TPCN nhưng sản xuất bằng “công nghệ xô, chậu” là chủ yếu, tức mua vỏ viên nang về, trộn nguyên liệu rồi cho vào là xong. Bên cạnh đó, hiện chưa có điều khoản, quy định nào cấm bán TPCN trong chợ, trên sàn thương mại điện tử nên việc quản lý, xử lý gặp nhiều khó khăn. Nhiều TPCN được bán ở các nhà thuốc và được quảng cáo quá sự thật, coi như thuốc điều trị bệnh.

Vấn đề TPCN còn rất nhiều bất cập, do đó bên cạnh tập huấn cho nhân viên các nhà thuốc tư vấn cho người dân dùng đúng thì đòi hỏi ý thức người hành nghề và sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý.

Nhiều ý kiến cho rằng, với mặt hàng thuốc, người dân khi mua không được trả giá, người bán nói bao nhiêu người dân cũng phải mua. Theo bà, phải làm gì để kiểm soát được đúng giá thị trường?

* Công tác quản lý các cơ sở, nhà thuốc trên địa bàn thành phố hiện có sự chồng chéo giữa Sở An toàn thực phẩm và Sở Y tế. Theo quy định của Thủ tướng, việc thanh tra các doanh nghiệp, cơ sở 1 lần/năm là thanh tra có kế hoạch; còn thanh tra đột xuất là không giới hạn số lần và tùy thuộc vào tình hình thực tế. Việc thanh tra không phải là “giết gà dọa khỉ” mà để răn đe, cho các đơn vị, cơ sở doanh nghiệp biết rằng luôn có thể bị kiểm tra bất cứ lúc nào để không cố tình vi phạm. TPHCM có hơn 8.000 nhà thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (GPP), nhưng chỉ có khoảng 10 dược sĩ làm ở bộ phận Thanh tra Sở Y tế.

Chúng ta đã phân cấp quản lý nhà thuốc thuộc hộ kinh doanh cá thể cho các phòng y tế, nhưng bao nhiêu phòng y tế có dược sĩ? Với lực lượng mỏng như thế, việc thanh tra, kiểm tra nhà thuốc là một thách thức lớn. Nên chăng giao việc này lại cho hội nghề nghiệp như mô hình dược sĩ đoàn mà nhiều nước đã áp dụng thành công để kiểm soát chặt giá thuốc, không để xảy ra tình trạng bán giá quá cao tại các nhà thuốc.

Phát huy cơ chế đàm phán giá thuốc

Công nghệ sản xuất thuốc tại Việt Nam đã theo kịp các nước chưa, thưa bà?

* Trong 20 năm qua, sản xuất dược Việt Nam vẫn ở mức 3.5/5 theo chuẩn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - mức đáp ứng nhu cầu thuốc generic và không sản xuất được nguyên liệu dược, không làm được thuốc mới hay thuốc phát minh. Trong khi đó, việc cấp số đăng ký thuốc vẫn là vấn đề lớn bao lâu nay vì có tình trạng xếp hàng chờ. Nhưng khi xếp hàng, dễ nảy sinh tiêu cực. Và chỉ cần một tác động khách quan như vừa qua (dịch bệnh, chiến tranh - PV), các nước ngưng sản xuất thuốc, thì chúng ta không có thuốc sử dụng. Chúng ta chưa có chủ trương rõ ràng về cấp số đăng ký thuốc.

Trước đây dược sĩ mở nhà thuốc phải là người hộ khẩu TPHCM, hiện nay luật sửa theo hướng thoáng hơn, người dân bất cứ tỉnh thành nào cũng mở nhà thuốc ở TPHCM. Đó là tự “thả gà ra đuổi”, thực tế đâu cần nhiều nhà thuốc như vậy. Philippines chỉ có 5 chuỗi nhà thuốc, không có nhà thuốc tư nhân. Chúng ta cần hạn chế và trông chờ vào thanh tra dược

PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN

Thuốc có hai loại: trong nước không sản xuất được (thuốc biệt dược), không nên mất nhiều thời gian cho việc đăng ký lại nhóm thuốc này bởi chúng đã được thông qua tại các nước phát triển. Cũng không cần đấu thầu biệt dược vì mỗi loại thuốc chỉ có một hãng làm và giá thuốc do hãng quyết định. Thay vào đó nên phát huy cơ chế đàm phán giá thông qua Bộ Y tế hay Sở Y tế để có một giá chung cũng như bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ. Ổn định cung mới ổn định được giá. Cung cầu gặp nhau mới hạn chế được cơ chế xin - cho. Loại thứ hai là nhóm thuốc generic (thuốc hết bản quyền và được quyền sản xuất) gồm thuốc ngoại nhập và thuốc trong nước sản xuất được. Thực tế không có chủ trương hạn chế nhập khẩu những loại thuốc này khi trong nước hoàn toàn làm được.

UBND TPHCM vừa ban hành quyết định phê duyệt đề án “Phát triển công nghiệp dược TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo bà, thành phố nên làm gì để khơi thông và chuẩn hóa thị trường dược phẩm?

* Thị trường dược của chúng ta không lớn, nhưng thuốc generic lại tràn lan và có nhiều nguồn gốc khác nhau. Đường hẹp nhưng nhiều người cùng đi thì dễ kẹt đường và phát sinh cơ chế xin - cho. Theo tôi, nên siết nhập khẩu đối với những mặt hàng thuốc trong nước đã làm được và hạn chế số đăng ký bằng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhiều người cùng kinh doanh, dễ nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh như giẫm đạp nhau hay đại hạ giá thuốc. Lâu dài, điều này gây hại cho nền công nghiệp dược vì chúng ta không khuyến khích được những nhà sản xuất bền vững, chân chính.

Về đầu ra, chuyện đấu thầu phải tăng tính tự chủ của bệnh viện. Nên nhớ, đấu thầu không phải con đường duy nhất để có thuốc. Đấu thầu rất tốn thời gian, công sức và không loại trừ được tiêu cực. Đã cho bệnh viện tự chủ, tại sao không để bệnh viện tự quyết. Ví dụ tính 1 năm trung bình bệnh viện khám và điều trị bao nhiêu bệnh nhân, dựa trên tính toán đó và cấp một khoản tiền, yêu cầu bệnh viện phải hoàn thành các chỉ tiêu trong năm đó, bệnh nhân không phàn nàn gì. Bệnh viện mua thế nào, tiết kiệm được thì có quyền chi phần dư tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên trong bệnh viện.

Nhiều đại biểu cho rằng, quy trình đấu thầu thuốc vào bệnh viện còn tồn tại nhiều bất cập. Bà nhận định sao về vấn đề này?

* Chúng ta đang đấu thầu theo hình thức các bệnh viện căn cứ vào số lượng tiêu thụ, danh mục thuốc hàng năm để lên kế hoạch mua sắm. Sau đó, mặt hàng giá rẻ nhất sẽ trúng thầu và giá trúng thầu đó trở thành giá kế hoạch cho năm sau. Trong khi đó, nguyên lý của đấu thầu là giá trúng thầu không được cao hơn giá kế hoạch - có nghĩa là qua từng năm, giá này sẽ thấp dần. Vậy, đến một lúc nào đó giá trị viên thuốc còn lại bao nhiêu? Càng ngày, những công ty thuốc chất lượng tốt, giá cao sẽ càng không thể tham gia cuộc đua. Điều này gây hại cho sự phát triển của công nghiệp dược, khó phát triển bền vững, bởi chúng ta không thể phát triển những mặt hàng chất lượng khi giá cả càng lúc càng phải rút xuống.

Thuốc là thị trường mà thị trường thì có cao có thấp, nếu cứ muốn mua thuốc thấp, chất lượng sẽ không tốt. Chất lượng thuốc không tốt, sẽ ảnh hưởng tới người bệnh, số ngày điều trị tăng lên và đồng thời gián tiếp bóp chết ngành công nghiệp dược, bóp chết những doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, muốn đầu tư vào chất lượng.

Tin cùng chuyên mục