Sớm ký FTA giữa Việt Nam với khối EFTA

Chiều 16-6, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti và Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti. ẢNh: VIẾT CHUNG
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti. ẢNh: VIẾT CHUNG

Tiếp Đại sứ Giorgio Aliberti, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập đến việc hai bên hiện nay đã có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Mặc dù mới ở giai đoạn đầu thực hiện EVFTA nhưng số liệu thống kê cho thấy tác động tích cực của hiệp định đối với hai bên. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Việt Nam đang trong quá trình triển khai để có thể sớm phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động quốc tế và đề nghị EU thúc đẩy các thành viên còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Chủ tịch Quốc hội khẳng định, tất cả các cam kết trong FTA sẽ được Việt Nam thực hiện nghiêm túc. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU trên cơ sở đánh giá tích cực về những nỗ lực thực chất mà Việt Nam đã thực hiện trong lĩnh vực này.

Đánh giá Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng có ý nghĩa quan trọng với tương lai quan hệ EU - Việt Nam, Đại sứ Giorgio Aliberti cho biết, Việt Nam là quốc gia thứ 3 sau Nam Phi và Indonesia ký thỏa thuận này với các đối tác quốc tế, qua đó khẳng định niềm tin của EU đối với Việt Nam và mong muốn của EU là hiện diện lâu dài, bền vững tại Việt Nam.

* Tại cuộc tiếp Đại sứ Thomas Gass, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, một trong những nội dung quan trọng trong hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ thời gian tới là thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với khối Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu - EFTA (gồm 4 nước: Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), trong đó Thụy Sĩ đóng vai trò quan trọng. Nhận xét Việt Nam và Thụy Sĩ là hai nền kinh tế không cạnh tranh trực tiếp, nhưng kim ngạch thương mại song phương còn khiêm tốn, đầu tư của Thụy Sĩ vào Việt Nam chỉ mới đạt 1,9 tỷ USD, khá khiêm tốn so với quy mô trên 440 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội mong muốn hai bên tích cực thảo luận các biện pháp nhằm gia tăng quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước.

* Chiều 16-6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cuba Oscar Manuel Slivera Martinez và đoàn đại biểu cấp cao Bộ Tư pháp Cuba đang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Tư pháp Cuba Manuel Slivera Martinez. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Tư pháp Cuba Manuel Slivera Martinez.

Ảnh: TTXVN

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với sự ủng hộ, giúp đỡ của Cuba; khẳng định Việt Nam trước sau như một, mong muốn quan hệ đoàn kết anh em gần gũi, tin cậy, thủy chung mẫu mực giữa hai nước ngày càng sâu sắc. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Cuba quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho các pháp nhân, cá nhân Việt Nam tại Cuba ổn định cuộc sống, sản xuất, kinh doanh; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Cuba để duy trì ổn định quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư song phương; ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Cuba.

Chuyển lời thăm hỏi và lời chúc tốt đẹp nhất của Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cuba Oscar Manuel Slivera Martinez khẳng định, Cuba luôn coi trọng mối quan hệ đặc biệt, truyền thống, hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam; cảm ơn sự ủng hộ, hỗ trợ vô tư, trong sáng và hào phóng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Cuba...

Tin cùng chuyên mục