Tại hội thảo “Lợi ích, thách thức và khung pháp lý điều chỉnh” vừa tổ chức ở TPHCM, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, đồng thời là Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Vinatas), cho biết: Hiện nay, người tiêu dùng bị động khi tiến hành các giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử trong nền kinh tế số hiện đại. Trong khi các quy định pháp luật chưa theo kịp những mô hình kinh doanh này nên xuất hiện một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến đang đánh lừa người tiêu dùng, đặc biệt là những người dân thiếu hiểu biết về công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định, việc tăng trưởng của nền kinh tế số với những mô hình kinh doanh trên đang đặt ra các thách thức đối với cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Công nghệ số tạo ra những mô hình kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp, mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng là thế giới ảo đầy rẫy quảng cáo, giới thiệu sản phẩm... và khó xác minh, truy xuất được nguồn gốc hàng hóa.
Ghi nhận thực tế, đặc thù của hoạt động mua bán online, giao dịch trực tuyến là đơn vị bán hàng và khách hàng chủ yếu tương tác trên không gian internet. Đặc biệt, mọi thông tin, dữ liệu liên quan đến hàng hóa đều được số hóa nên người tiêu dùng thường phải chịu rủi ro rất cao do ít khi được gặp trực tiếp người bán hoặc đơn vị kinh doanh.
Chị Thanh Nhàn, cư ngụ tại quận 3, TPHCM, cho rằng: “Mua sắm trực tuyến là xu hướng tất yếu trong tiêu dùng và ngày càng được nhiều người dân sử dụng. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên, cơ quan quản lý cần xây dựng cũng như nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý đối với những mô hình kinh doanh trong thế giới số. Trong đó, có những quy định pháp luật, đảm bảo đơn vị kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ và phục vụ khách hàng tốt hơn; hướng đến môi trường kinh doanh lành mạnh”.