Đồng thời, sử dụng nhiều nền bản đồ: Google, Open Street, vệ tinh... giúp người dùng tra cứu thông tin điểm sạt lở như: chiều dài, độ sâu; tác động đến môi trường, con người với những con số, hình ảnh, video cụ thể. Qua đó, sẽ giúp cảnh báo sớm đối với người dân, cũng như hỗ trợ công tác tuyên truyền về sạt lở.
Qua gần 2 năm triển khai, hiện 13 tỉnh, thành của ĐBSCL đã tổ chức cập nhật dữ liệu sạt lở lên bản đồ Webgis.
Số liệu thống kê cho thấy, toàn vùng có 564 vị trí sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển với chiều dài hơn 834km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm là 104/203km, chiếm tỷ lệ khoảng 35%; sạt lở nguy hiểm là 121 điểm/246,6km, chiếm tỷ lệ 29%; sạt lở bình thường là 339 điểm/294,4km, chiếm tỷ lệ 36%.
Từ năm 2011 đến 2018, từ nhiều nguồn kinh phí, các địa phương vùng ĐBSCL đã xử lý được 141 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 215km, tổng kinh phí trên 11.440 tỷ đồng.
Từ năm 2018 đến nay, Trung ương và các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ, có kế hoạch đầu tư và đang đề xuất từ nguồn vốn ODA cho các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL với tổng kinh phí 7.384 tỷ đồng. Nguồn vốn này phục vụ xử lý 102 khu vực sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 184km.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Phòng chống thiên tai, việc cập nhật dữ liệu đến nay vẫn chưa đầy đủ. Để sớm hoàn thành bộ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương thường xuyên rà soát, thu thập, bổ sung, phân loại và tổ chức cập nhật dữ liệu đưa lên bản đồ Webgis.
Những thông tin, dữ liệu cập nhật lên bản đồ phải đảm bảo tính khách quan, trung thực và phải có sự thống nhất của lãnh đạo địa phương để thống nhất dữ liệu cập nhật, cách phân loại và kinh phí đề xuất.