Nhiều ý tưởng được thí điểm từ TPHCM rồi trở thành định chế của cả nước. “Đây là đặc điểm mà chúng ta đang tổng kết 40 năm đổi mới. Tôi thấy rất rõ nét những điều đó. Sự năng động, sáng tạo của thành phố là một đặc điểm rất quan trọng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.
Và chỉ hơn 1 tháng sau, ngày 30-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo xây dựng đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, một trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM (cùng với Đà Nẵng) đang chuẩn bị được trình ra Quốc hội, mà theo lời người đứng đầu Chính phủ thì “mục tiêu của việc xây dựng trung tâm tài chính là để hình thành thị trường tài chính. Phát triển các dịch vụ tài chính và các dịch vụ đi theo để huy động nguồn lực tài chính cho sự phát triển của hai thành phố trên, đất nước nói chung”.
Thực tế, trong 5 trụ cột chính để hình thành và phát triển một trung tâm tài chính thì TPHCM gần như sở hữu căn bản, đầy đủ và có nhiều ưu thế nhất. Từ nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh đến các ngành tài chính tập trung (trong đó đặc biệt là hệ thống ngân hàng, công ty tài chính, chứng khoán) và danh tiếng đô thị.
Vì vậy, để sớm hiện thực hóa hình hài Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM, một trong những động thái quan trọng là cần gia tăng tích lũy cả hạ tầng “mềm” (quy hoạch bất động sản cho trung tâm, các hành lang pháp lý đặc thù, đạt chuẩn quốc tế…) và hạ tầng “cứng” với các trung tâm máy tính (computer center) quy mô lớn, phát huy lợi thế “thành phố fintech” của cả nước hiện nay…
Một đặc tính của riêng TPHCM, vốn nằm trong hạ tầng “mềm”, đó chính là những cơ sở, thiết chế kinh tế gắn liền với văn hóa như một di sản của thành phố. TPHCM có vị trí độc nhất ở trung tâm Đông Nam Á, gần gũi về địa lý với các nước còn lại, hoàn toàn có thể trở thành trung tâm cho không chỉ Việt Nam mà còn toàn bộ khu vực.
Việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và từng bước thành trung tâm tài chính quốc tế là định hướng quốc gia đã được ghi vào văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ. Đây là định hướng phát triển của quốc gia chứ không cho riêng TPHCM, nếu hình thành sẽ đóng góp vào phát triển của Đông Nam bộ, trong đó có TPHCM, thúc đẩy cả nước bước vào kỷ nguyên mới.