Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, có 4 nút thắt chính trong phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân (NƠCN) bao gồm: thiếu quỹ đất để xây dựng; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi; cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp.
Đây là những nút thắt đã tồn tại từ lâu, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ nhưng kết quả còn rất hạn chế, đòi hỏi cần có những đột phá về cơ chế, chính sách.
Tín hiệu đáng mừng là Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội (Nghị quyết 11) và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ. Trong đó, giải pháp hỗ trợ tín dụng đối với NƠXH-NƠCN được cho là rất thiết thực.
Cụ thể, các cá nhân được vay mua, thuê mua và cải tạo nhà ở với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm với gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Các chủ đầu tư xây NƠXH-NƠCN được hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại với quy mô khoảng 40.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất.
Để tận dụng các hỗ trợ này, một tổ công tác liên ngành gồm đại diện Bộ Xây dựng, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội đã được thành lập và tiến hành làm việc với một số địa phương ngay trong quý 1.
Theo đánh giá của tổ công tác, nhiều địa phương như TPHCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nam... đều quan tâm tới phát triển NƠXH-NƠCN và đang tích cực triển khai.
Hiện, cả nước đang có 339 dự án NƠXH với quy mô khoảng 371.500 căn hộ (khoảng 18,6 triệu m2 sàn). Chỉ tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã khởi công 7 dự án NƠXH-NƠCN với khoảng 23.965 căn.
Tại Hà Nội, trong quý 3 và quý 4 dự kiến sẽ có 2 dự án NƠXH-NƠCN được khởi công. Còn tại TPHCM, dự kiến trong các ngày 25, 26 và 27-4 tới đây sẽ có hàng loạt dự án NƠXH-NƠCN được khởi công, với số lượng căn hộ trên 1.300 căn…
Tuy nhiên, theo ý kiến từ các hiệp hội, doanh nghiệp, vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần các cơ quan quản lý khẩn trương tháo gỡ, đặc biệt là những vướng mắc về thủ tục, cơ chế, bất cập trong luật, chính sách ưu đãi về đất đai, về vốn và lợi nhuận...
Trong đó, đại diện Sở Xây dựng TPHCM kiến nghị Bộ Xây dựng và các bộ, ngành cần tạo điều kiện để TPHCM và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phát triển nhà từ Nghị quyết 11, trong đó có việc rút ngắn các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, TPHCM cần hỗ trợ vốn vay kích cầu để cho vay với thời hạn trên 10 năm, đồng thời bố trí nguồn vốn để xây dựng hạ tầng đáp ứng cho các khu nhà đã xây dựng xong. Sắp tới, Sở Xây dựng TPHCM sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý ở các khu công nghiệp để sắp xếp, điều chỉnh lại quy hoạch.
Bởi, trước đây, đất nằm trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao không quy hoạch chức năng ở, dẫn đến không thể xây dựng nhà ở. Sở Xây dựng TPHCM cũng đề xuất tập trung rà soát quỹ đất tại các dự án thương mại có tỷ lệ 20% quỹ đất NƠXH để yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện đúng quy định. Hiện, trên địa bàn TPHCM đang có 34 dự án, nếu xây dựng được sẽ có trên 70.000 căn nhà ở xã hội…
Nếu những đề xuất trên được thực thi, chắc chắn những bất cập trong phát triển NƠXH-NƠCN sẽ có những cải thiện đáng kể trong thời gian tới. Những đề xuất từ các địa phương đi đầu về vấn đề này cần được xem xét, giải quyết, tháo gỡ nhanh để sớm triển khai, từ đó đúc kết kinh nghiệm cho các địa phương khác.
Bất cập đã được nhận diện, giải pháp cũng đã được đề xuất, vấn đề còn lại là sự phối hợp chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết các nút thắt nhằm thực hiện tốt chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển NƠXH-NƠCN.