Mòn mỏi chờ đợi
Mới đây, nhiều ngư dân có tàu cá đánh bắt xa bờ tại TP Quy Nhơn, huyện Phù Mỹ, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) phản ánh đến PV Báo SGGP rằng, họ đang gặp vô vàn khó khăn khi nhiều tháng trời vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ nhiên liệu. Theo các ngư dân, từ khi địa phương lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá đánh bắt xa bờ (thiết bị VMS), lượt tin báo về bờ bị gián đoạn, không ổn định, ảnh hưởng đến điều kiện hưởng chính sách của các chủ tàu.
Ngư dân Nguyễn Quốc Tuấn (phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) đang sở hữu 2 tàu cá số hiệu BĐ 91126-TS, BĐ 91357-TS phản ánh, từ tháng 4-2020, khi tàu cá của anh lắp đặt thiết bị VMS thì liên tục bị gián đoạn, khiến anh không đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ dầu. “Hai tàu cá của tôi từ tháng 7-2020 đến nay đã đi gần 10 chuyến biển, trong đó có 6 chuyến biển làm hồ sơ xin hỗ trợ dầu (100 triệu đồng/chuyến) nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết khiến tôi rất nóng ruột, chẳng biết kêu ai. Vừa rồi, tôi phải đi vay tiền để sơn sửa lại 2 con tàu hết 500 triệu đồng”, ngư dân Nguyễn Quốc Tuấn lo lắng.
Tương tự, ở phường Trần Phú, các hộ ngư dân Nguyễn Quốc Đức, Nguyễn Đình Lộc, Nguyễn Văn Mạo… phản ánh về việc tàu cá của mình bị trục trặc, gián đoạn thiết bị VMS khiến hồ sơ hưởng tiền nhiên liệu của Nhà nước bị “treo” hàng trăm triệu đồng. Không chỉ ở phường Trần Phú, cả ngàn hồ sơ ở phường Lê Lợi, huyện Phù Mỹ, thị xã Hoài Nhơn… đều rơi vào tình cảnh tương tự. Ngư dân kiến nghị, ngành chức năng và các nhà cung cấp mạng cần sớm can thiệp, có sự đồng bộ để tháo gỡ vướng mắc cho các ngư dân. Đặc biệt, đối với các hồ sơ không đủ điều kiện thì cần thông báo sớm cho ngư dân biết để họ kịp khắc phục hoặc vươn khơi bù trong chuyến khác.
Quả bóng trách nhiệm
Tỉnh Bình Định là địa phương đi đầu trong việc lắp đặt thiết bị VMS cho các tàu cá trên 15m, với gần 3.200 tàu cá. Có 2 đơn vị cung cấp, lắp đặt các thiết bị VMS là VNPT Bình Định và Đài Thông tin duyên hải Quy Nhơn với trên 3.100 máy. Theo báo cáo của ngành thủy sản Bình Định, từ ngày 24-4-2020 đến 31-12-2020, toàn tỉnh này có 1.067 hồ sơ của 734 tàu cá chưa đủ điều kiện hưởng hỗ trợ tiền dầu, do thiết bị VMS bị gián đoạn, trục trặc.
Tuy nhiên, đến ngày 7-5-2021, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định mới có văn bản báo cáo lên Tổng cục Thủy sản về trường hợp của 1.067 hồ sơ trên. Ngày 25-5, Tổng cục Thủy sản có văn bản phúc đáp, cho rằng việc 1.067 hồ sơ của 734 tàu cá Bình Định chưa đủ điều kiện nhận hỗ trợ nhiên liệu là do tàu cá không đảm bảo tin nhắn báo cáo vị trí đánh bắt về hệ thống giám sát hành trình. Văn bản nêu rõ trách nhiệm của Chi cục Thủy sản Bình Định là thường xuyên theo dõi, quản lý và trích xuất dữ liệu theo đề nghị của ngư dân. Trong trường hợp tàu cá của ngư dân không đủ điều kiện thì phải thông báo ngay cho các chủ tàu để họ có hướng xử lý, điều chỉnh phương án đánh bắt nhằm đảm bảo đủ điều kiện tiếp nhận chính sách.
Tổng cục Thủy sản đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chậm trễ trong việc thông báo hồ sơ tàu cá không đủ điều kiện hỗ trợ nhiên liệu theo quy định. Tuy nhiên, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định Nguyễn Công Bình lý giải: “Tổng cục Thủy sản chỉ nói từ một phía, thực tế chúng tôi đã báo cáo về việc trên từ tháng 7-2020 (tại Văn bản số 1629/SNN-TS, ngày 16-7-2020). Chúng tôi đã đề nghị sớm đồng bộ dữ liệu giữa hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản và các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình khác để tạo sự thống nhất, xét hồ sơ cho ngư dân. Tuy nhiên, đến nay Tổng cục Thủy sản vẫn chưa đồng bộ nên chưa có cơ sở để xác định thiết bị VMS trên các tàu cá bị gián đoạn hay do chưa đồng bộ các thiết bị”.
Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận lỗi chậm trễ do nhiều nguyên nhân, trong đó có phần trách nhiệm địa phương.
Trao đổi với PV Báo SGGP, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng cho biết, không chỉ ở Bình Định, thời gian qua đơn vị cũng nhận được nhiều văn bản báo cáo, kiến nghị của các tỉnh miền Trung liên quan đến sự cố gián đoạn thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá đánh bắt xa bờ. Tổng cục Thủy sản đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời đến các nhà cung cấp thiết bị, nhà mạng để xác minh, hỗ trợ địa phương tháo gỡ vướng mắc cho ngư dân. Riêng trường hợp của Bình Định xảy ra từ tháng 7-2020, nhưng đến tháng 5-2021 mới có văn bản báo cáo. Như vậy, việc chậm trễ thuộc trách nhiệm của địa phương. |