Trong quá trình rà soát quy định pháp luật về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của DN, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế VCCI nhận định, nhiều điều kiện kinh doanh đang can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của DN, như yêu cầu phải thiết lập hệ thống phân phối (đối với mặt hàng rượu và xăng dầu); yêu cầu phương án kinh doanh (đối với bưu chính, dịch vụ an toàn thông tin mạng, thông tin tín dụng); yêu cầu trình độ của người quản lý DN... Chưa kể, có những điều kiện kinh doanh do hai cơ quan cùng đánh giá, làm căn cứ cấp giấy phép cho một hoạt động (như kinh doanh khí, dịch vụ an ninh) hoặc sử dụng các khái niệm khó xác định như “có đủ”, “phù hợp”...
Trong danh mục 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, có tới 20 ngành có thể loại bỏ khỏi danh sách, do không có tác động đáng kể đến lợi ích công cộng hoặc có thể quản lý bằng hình thức khác. Điển hình như ngành kinh doanh dịch vụ kế toán thuế, kinh doanh dịch vụ hải quan, kinh doanh dịch vụ việc làm, kinh doanh vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng...
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM chia sẻ, không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ đã rất quyết liệt trong cắt giảm điều kiện kinh doanh thời gian qua để DN tham gia thị trường ngày càng tốt hơn. Nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, ẩn dưới hình thức giấy chứng nhận, chứng chỉ chưa được cắt bỏ. Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ xác định kinh doanh vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện do ảnh hưởng tới thị trường ngoại hối và vàng miếng với các yêu cầu rất chi tiết, cụ thể. Muốn xin giấy phép kinh doanh vàng, DN phải có chứng nhận môi trường, an ninh, PCCC, đáp ứng diện tích theo quy định. Vô lý hơn, muốn đăng ký kinh doanh tại địa chỉ nào thì người đứng tên phải có hộ khẩu thường trú tại nơi đó từ 5 năm trở lên.
Đáng lưu ý, nghị định này còn gom cả hoạt động kinh doanh, mua bán vàng trang sức, đồ mỹ nghệ, trong khi các sản phẩm này không có khả năng tác động, điều tiết thị trường vàng miếng theo tiêu chuẩn quốc tế và ngoại hối. Việc đánh đồng các DN kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ với số ít DN đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng, mua bán ngoại tệ đã gây khó khăn rất lớn cho các DN, hộ kinh doanh thời gian qua. Do đó, cần thiết phải điều chỉnh sửa đổi các quy định hiện hành để vừa quản lý hiệu quả các ngành hàng quan trọng phải giám sát, nhưng vẫn tạo điều kiện cho DN kinh doanh dễ dàng tham gia thị trường. Để hạn chế các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi, ngay từ khâu xây dựng văn bản pháp luật phải có sự minh bạch, rõ ràng từ luật đến nghị định, thông tư và thống nhất cơ chế thực hiện giữa các bộ ngành đến địa phương.
Trong quá trình xây dựng, cần tham khảo lấy ý kiến đóng góp từ các DN, hiệp hội ngành hàng để rút ngắn khoảng cách từ văn bản pháp luật đến thực tế đời sống. Các cơ quan quản lý, giám sát cần thành lập bộ phận chuyên trách để giải quyết ngay các vấn đề phát sinh của DN nhằm giảm thiểu thiệt hại, giúp DN tham gia thị trường nhanh và hiệu quả.